Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xây dựng
Thủ tục cấp phép xây dựng đang được cải cách mạnh mẽ. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, ngành xây dựng đã có nhiều giải pháp thiết thực để giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là việc cải cách thủ tục hành chính liên quan. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy xung quanh vấn đề này.
Chính phủ đã rất quyết liệt khi đưa ra các giải pháp và chính sách phát triển kinh tế - xã hội; trong đó phải kể đến Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Xin Thứ trưởng cho biết những kết quả mà ngành xây dựng đã đạt được khi triển khai thực hiện?
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35, Bộ Xây dựng cũng đã có Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết; trong đó, yêu cầu rõ trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị cũng như tiến độ thực hiện và kết quả đạt được.
Bộ đã rà soát các vướng mắc, bất cập của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công với Luật Xây dựng năm 2014, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 và các luật khác có liên quan. Trên cơ sở đó, Bộ đã chủ động đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật sửa đổi các Luật liên quan đến đầu tư kinh doanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo; đề xuất Chính phủ quy định chi tiết điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư và các Luật chuyên ngành; loại bỏ một số điều kiện kinh doanh không cần thiết phải duy trì... Đặc biệt, Bộ Xây dựng đã tích cực triển khai thực hiện cải cách hành chính trong các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước được phân công.
Theo đó, không chỉ các quy trình được cải cách mà còn đơn giản hóa các thủ tục hành chính về cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng công trình. Cùng đó, Bộ đã chủ động đề xuất và tổ chức thực hiện việc phân cấp, ủy quyền trong thẩm định dự án, thiết kế, dự toán xây dựng công trình thông qua việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý đầu tư xây dựng. Đồng thời, Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự thảo Nghị định quy định các loại giấy tờ hợp pháp về đất đai để cấp phép xây dựng. Hiện các bản thảo nghị định này đã được Bộ Tư pháp thẩm định; Bộ Xây dựng đang tiếp thu ý kiến thẩm định, hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành.
Bên cạnh đó, Bộ đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3,4 đối với một số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý để áp dụng trên toàn quốc như: Giấy phép xây dựng; chứng chỉ hành nghề xây dựng; công khai thông tin quy hoạch.
Để xử lý kịp thời những vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp và người dân, Bộ Xây dựng đã thực hiện kết nối với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, thiết lập kênh tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị qua website của Bộ. Việc tiếp xúc, trao đổi, hướng dẫn, giải đáp, xử lý kiến nghị vướng mắc của doanh nghiệp được thực hiện thường xuyên.
Đề án tái cơ cấu ngành xây dựng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2014 - 2020 và các đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ đã được phê duyệt. Trọng tâm là cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề chính, thực hiện lộ trình bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối theo cơ chế thị trường, tạo cơ hội cho doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển.
Hoàn thiện thể chế và cải cách thủ tục hành chính được xem là rất quan trọng nhưng trên thực tế thời gian thực hiện các thủ tục này vẫn còn quá dài, theo Thứ trưởng, Bộ Xây dựng cần khắc phục tình trạng này như thế nào?
Công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật luôn là nhiệm vụ trọng tâm, được đặt lên hàng đầu trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành xây dựng, đặc biệt là các văn bản quy định chi tiết 3 Luật: Xây dựng, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản. Chỉ tính trong 10 tháng qua, Bộ đã soạn thảo trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 1 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 4 Nghị định và 25 Thông tư.
Các cơ chế chính sách mới của cả 3 luật này và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết đã góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, được các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, xã hội đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao. Các văn bản pháp luật này đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, góp phần tích cực nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành.
Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, các thủ tục hành chính luôn được rà soát, cải cách, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, giảm tối đa về thời gian, hồ sơ và chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Đến tháng 7/2016, Bộ đã rà soát, chuẩn hóa, công bố đầy đủ 100% thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực ngành quản lý, phù hợp với quy định của các Luật và Nghị định mới ban hành theo yêu cầu của Chính phủ; bảo đảm các thủ tục hành chính được ban hành thực sự cần thiết, hợp pháp và hợp lý.
Theo đó, số lượng thủ tục hành chính giảm đi đáng kể; thời gian thực hiện giảm khoảng 30%, thành phần hồ sơ đơn giản hơn trước, các doanh nghiệp tiếp cận thủ tục dễ dàng, nhanh chóng. Bộ Xây dựng đang kiến nghị sửa đổi Luật Xây dựng năm 2014 để cải cách mạnh mẽ hơn nữa thủ tục cấp phép xây dựng theo hướng mở rộng đối tượng công trình được miễn giấy phép; đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục; rút ngắn thời gian cấp phép từ 30 ngày xuống còn 20 ngày; phân cấp thẩm định cấp giấy phép công trình đặc biệt từ Bộ Xây dựng về cho UBND cấp tỉnh.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát các văn bản đã ban hành để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết, phối hợp giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhiều bộ, ngành, nhân rộng mô hình một cửa, một cửa liên thông để phục vụ người dân, doanh nghiệp được thuận lợi.
Trân trọng cảm ơn ông!