Tạo đột phá phát triển nông nghiệp, nông thôn (CTTS 14-7)
Ứng dụng phần mềm Quản lý cây xanh Thainguyen Smarttrees

Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Thái Nguyên đang quản lý 24 công trình nước, cung cấp nước sạch cho trên 100 nghìn người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đối tượng phục vụ lớn, địa bàn rộng trong khi nguồn lực được phân bổ còn hạn chế khiến hoạt động của Trung tâm gặp nhiều khó khăn. Khắc phục tình trạng này, nhiều giải pháp về ứng dụng công nghệ, đưa khoa học, kỹ thuật để cải tiến hoạt động, sản xuất đang được thực hiện hiệu quả.

Cùng với việc sử dụng phần mềm trên smartphone để nhập thông tin, số liệu và quản lý dữ liệu khách hàng trên môi trường số, tiến tới Trung tâm sẽ sử dụng máy in nhiệt cầm tay để in hóa đơn, thanh toán điện tử cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ. Toàn bộ dữ liệu sau khi được nhập số sẽ truyền trực tiếp về máy chủ đặt tại Trung tâm. Vì vậy, thông tin sẽ được kiểm soát chặt chẽ, xử lý chính xác và tiết kiệm được thời gian, công lao động cho cả hệ thống.

Chị Nguyễn Hạnh Kiểm, Tổ trưởng Tổ Quản lý vận hành, Công trình Cấp nước Đồng Bẩm, T.P Thái Nguyên cho biết về sự tiện lợi: “Trước kia phải mang sổ sách rất cồng kềnh. Giờ chỉ việc mang điện thoại, đọc chỉ số xong là nhập vào máy. Ngày trước có thể phải sang cơ quan nộp sổ. Bây giờ, ở nhà đồng bộ số liệu rồi gửi sang cơ quan để in hóa đơn”.

Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Thái Nguyên thông tin: “Trung tâm nước đã đề xuất với sở để trình UBND tỉnh phối hợp với sở Kế hoạch và đầu tư thực hiện kế hoạch chuyển đổi số gắn liền với việc nâng cấp hệ thống trang thiết bị mới để thay thế phần cũ lạc hậu, nhằm mục tiêu đáp ứng khai thác tối đa hiệu quả của công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn”.

Tạo đột phá phát triển nông nghiệp, nông thôn (CTTS 14-7)
Ứng dụng phần mềm trên smartphone để nhập thông tin, số liệu và quản lý dữ liệu khách hàng sử dụng nước sạch sinh hoạt

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên đã phối hợp với Viễn thông Thái Nguyên triển khai hướng dẫn sử dụng phần mềm Quản lý cây xanh Thainguyen Smarttrees giúp nâng cao nhận thức, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chuyển đổi số cho cán bộ Kiểm lâm Thái Nguyên.

Anh Nguyễn Thái Sơn, Hạt phó Hạt Kiểm lâm T.P Thái Nguyên chia sẻ: “Tôi thấy việc cập nhật cây xanh trên ứng dụng phần mềm Quản lý cây xanh Thainguyen Smarttrees rất nhanh. Tiếp đó nó thể hiện đầy đủ yếu tố của công tác quản lý cây như tên cây, người trồng, vị trí trồng và được kiểm soát trên hệ thống của toàn quốc”.

Nông nghiệp là một trong 5 lĩnh vực then chốt được tỉnh Thái Nguyên tập trung các nguồn lực triển khai thực hiện. Để thực hiện nội dung này, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã và đang tập trung hoàn thiện hệ thống thông tin dữ liệu nông, lâm nghiệp, thủy sản với 16 cơ sở dữ liệu theo biểu thống kê và bản đồ trên nền tảng số, phục vụ công tác quản lý, điều hành của Sở. Qua đó góp phần cung cấp thông tin cho các cấp chính quyền các cấp, các sở, ngành, cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp và người dân khai thác, phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Ông Dương Sơn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên thông tin: “Chúng tôi sẽ xây dựng 1 phần mềm quản lý chất lượng nông sản. Qua đó sẽ quản lý được những vùng sản xuất tập trung. Cũng thông qua đó, chúng tôi có giải pháp quản lý chất lượng sản phẩm của gần 400 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Về thủy lợi chúng tôi sẽ có dữ liệu để quản lý các công trình hồ, đập, tuyến đê để làm tốt hơn công tác phòng chống lụt bão trên địa bàn tỉnh”.

Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025; định hướng đến năm 2030, Sở sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung cho ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đồng bộ hóa với phần mềm C-Thainguyen. Đồng thời tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cho các vùng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, kết nối cung cầu gắn với quản lý chất lượng, công bố chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, dự báo tình hình thị trường tiêu thụ nông sản.