Đồng tình nhưng vẫn... băn khoăn

Hiện nay bộ máy các cơ quan nhà nước ở một số địa phương còn cồng kềnh, tăng biên chế cán bộ, công chức, viên chức. Kéo theo đó, chi ngân sách nhà nước tăng, do tăng biên chế, xây dựng trụ sở, mua sắm mới trang thiết bị làm việc, tăng chi thường xuyên… Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp bách phải cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực hiệu quả.

tam tu cua can bo vung cao khi sap nhap xa ban

Theo Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số đơn vị hành chính cơ sở ở Sơn La không đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số… sẽ sáp nhập (ảnh minh họa). Ảnh: V.Đ

"Bây giờ sáp nhập, sẽ có 2-3 dân tộc sinh hoạt cùng một bản, việc giao tiếp, hội họp, tuyên truyền tới bà con sẽ gặp khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ... Chính vì thế, cần làm tốt công tác tư tưởng để bà con hiểu và làm theo”.

Ông Cầm Văn Mười

Nghị quyết 18 Trung ương 6 khóa 12 nêu rõ: “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới sắp xếp của tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Theo đó, lộ trình đến năm 2021 sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn về dân số, diện tích tự nhiên...

Thực hiện Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính thì tỉnh Sơn La là tỉnh có nhiều xã, bản, thị trấn chưa đủ tiêu chuẩn đang nằm trong diện sáp nhập. Chủ trương sáp nhập đang ít nhiều gây tâm lý lo lắng ở một số cán bộ và nhân dân ở một số địa phương.

Ông Phạm Đức Chính - Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, cho hay: Huyện có 35 bản nằm trong đề án sáp nhập vì không đủ số hộ, số dân. Việc sáp nhập mới đầu ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của bà con, nhưng sẽ giảm được đầu mối quản lý, đầu tư sẽ tập trung hơn không bị dàn trải, bởi có những bản chỉ có vài chục hộ nên gây ra lãng phí. Năm nay, huyện sẽ tổ chức sáp nhập thí điểm 9 bản và theo đề án sẽ cố gắng sang năm sáp nhập xong.

Lo sáp nhập sẽ... bất đồng ngôn ngữ

Là cán bộ xã gần 20 năm gắn bó với nhân dân, thấu hiểu tâm tư tình cảm của bà con dân tộc ở địa phương, ông Cầm Văn Mười - Chủ tịch xã Chiềng Lương (huyện Mai Sơn) cho biết: Qua khảo sát, xã Chiềng Lương có 24 bản, sẽ sáp nhập lại chỉ còn 14 bản. Cái khó nhất khi sáp nhập bản lại với nhau là phong tục tập quán, tiếng nói...

Trên địa bàn hiện có 5 dân tộc: Kinh, Thái, Mông, Khơ Mú, Sinh Mun. Mỗi dân tộc đều có đặc điểm văn hóa và tiếng nói riêng, nhiều đời nay họ đã quen sống sinh hoạt với nhau bằng tiếng nói và nét văn hóa riêng của mình.

“Bây giờ sáp nhập, sẽ có 2-3 dân tộc sinh hoạt cùng một bản, việc giao tiếp, hội họp, tuyên truyền các chủ trương chính sách tới bà con sẽ gặp khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ. Đặc biệt là việc lựa chọn người đứng đầu bản, một số bà con còn quan niệm chỉ nghe theo người uy tín trong dòng họ, trong bản thì họ mới bầu làm trưởng bản. Chính vì thế, việc sáp nhập sẽ ít nhiều gặp khó khăn, cần làm tốt công tác tư tưởng để bà con hiểu và làm theo”- ông Mười bày tỏ.

tam tu cua can bo vung cao khi sap nhap xa ban

Nhiều bản vùng cao ở Sơn La sẽ phải sáp nhập với nhau vì không đủ tiêu chuẩn về diện tích, dân số như quy định. Ảnh: V.Đ

Là cán bộ tâm huyết với địa phương, anh Lò Văn Đỉnh - Phó Chủ tịch xã Thôm Mòn, một trong những xã nằm trong diện sáp nhập của huyện Thuận Châu (Sơn La), tâm sự: Theo quy định thì xã Thôm Mòn không đạt về diện tích tự nhiên và sẽ phải sáp nhập với xã khác là thị trấn Thuận Châu. Theo đó, xã có 20 bản sẽ sáp nhập thành 5 bản. Việc sáp nhập là chủ trương đúng của Nhà nước nhưng ít nhiều sẽ gây ra một số khó khăn như: Trình độ dân trí, thu nhập, đời sống văn hóa khác nhau; địa bàn rộng hơn thì công tác quản lý sẽ khó khăn hơn, việc đi lại của bà con xa hơn.

Đặc biệt là sẽ ảnh hưởng đến các tiêu chí bình xét bản văn hóa, bản làm tốt công tác an ninh trật tự, vì tiêu chí các bản khác nhau có bản làm tốt tiêu chí này, bản làm tốt tiêu chí kia, có bản chưa đạt… khi sáp nhập lại sẽ bị ảnh hưởng.

Cùng tâm trạng của người cán bộ quản lý xã, ông Tòng Văn Don - Phó Bí thư xã Chiềng Bằng (huyện Quỳnh Nhai), trải lòng: Theo lộ trình sáp nhập các đơn vị hành chính không đủ tiêu chuẩn thì xã Chiềng Bằng có một số bản phải sáp nhập do không đủ 50% tiêu chuẩn về diện tích và số dân. Bà con các bản đang quen với cuộc sống ổn định, nay sáp nhập thì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của bà con, như: Khi họp bản sẽ phải đi xa hơn vì địa bàn rộng; rồi công tác an ninh, rồi công tác tuyên truyền sẽ ảnh hưởng, vì bà con chưa quen.

Cần có thái độ dứt khoát

PGS - TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội cho rằng, việc thu gọn bộ máy mà vẫn đảm bảo hoạt động hiệu quả là mục tiêu tối cao mà chúng ta phải thực hiện thời gian tới.

“Bộ máy cứ phình to ra, hiệu quả hoạt động không được như mong muốn, như một “khối viêm nặng” ngày càng lan rộng. Do vậy dứt khoát cần phải có “kháng sinh” để bộ máy bớt cồng kênh đi thì mới có thể hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả hơn được” - bà An nói.

Tuy nhiên, bà An cũng lưu ý: Đây là vấn đề vô cùng gai góc, không dễ dàng thực hiện. Việc tách ra có thêm quyền chức bao giờ cũng dễ hơn và việc sáp nhập, “ghế” thu lại. Bên cạnh đó, đây lại là vấn đề liên quan tới con người, do đó phải cân nhắc rất tổng thể.

“Trong thực hiện việc này, công tác tư tưởng và quyết tâm chính trị của các địa phương là một trong những yếu tố then chốt tạo nên sự đổi mới thực sự. Trong đó, những người đứng đầu địa phương phải làm gương, đi đầu, bởi “tư tưởng không thông, vác bình tông cũng nặng”.

Hoàng An (ghi)

Tránh phiền hà cho người dân

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Văn Tư cho rằng, khi sáp nhập sẽ có khó khăn, xáo trộn, sẽ tác động đến người dân và doanh nghiệp. Vì vậy cần tính toán, tránh phiền hà cho dân và doanh nghiệp. Riêng về chế độ cho cán bộ dôi dư nghỉ việc, Trung ương nên quy định thống nhất, không để mỗi nơi ban hành quy định riêng.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nhìn nhận, cần tính toán thêm về phạm vi hợp lý vì việc sáp nhập sẽ làm thay đổi địa chỉ số nhà, giấy tờ hộ tịch… Đặc biệt, vấn đề mà nhiều địa phương trăn trở là công tác cán bộ. Do đó, cần có chính sách và nghị định riêng của Chính phủ về chế độ chính sách áp dụng cho trường hợp này.

Chưa kể, ngoài địa phương thì có cả ngành dọc như thuế, hải quan, thi hành án. Do vậy, cần có chính sách thống nhất, mỗi địa phương có cách khác nhau thì lại khó.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, mục tiêu của việc này là làm tinh gọn bộ máy để đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Địa phương nào rà soát, đủ điều kiện, nhân dân đồng tình thì làm.

“Nhân dân đồng thuận mới nên làm, còn không đồng thuận thì không nên, không áp đặt ý chí nhà nước khi chưa có sự đồng thuận của nhân dân. Lấy ý kiến đúng theo quy định của luật” - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Thành An (ghi)