Tấm gương cựu chiến binh vươn lên làm giàu từ nghề làm bún gia truyền
Mô hình kinh tế của cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Thịnh góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương |
Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Thịnh quê gốc ở huyện Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội). Cuối năm 1972, người lính Nguyễn Ngọc Thịnh lên đường nhập ngũ, tham gia luyện tập bộ binh tại Sư đoàn 12, đóng quân tại Chương Mỹ, Hà Nội. Cuối năm 1974, ông được điều động vào Nhà in Quân đoàn 1; đến năm 1975, ông Thịnh cùng các đồng đội tham gia công tác tuyên truyền phục vụ chiến đấu trong chiến dịch giải phóng miền Nam. Năm 1978, sau khi xuất ngũ, ông Thịnh trở về làm công nhân tại Nhà máy Y cụ 2 (TP Sông Công). Mặc dù mang trên mình chất độc da cam, song ông Thịnh không cam chịu khó khăn, quyết tâm vươn lên làm giàu chính đáng.
Ông Thịnh chia sẻ: "Gia đình tôi có nghề làm bún gia truyền nổi tiếng ở mảnh đất Hà Tây xưa, đến đời tôi là đời thứ tư nối nghiệp cha ông". Những ngày đầu làm kinh tế, đồng lương công nhân ít ỏi không đủ để trang trải cuộc sống gia đình; nên tranh thủ giờ tan ca, ông cùng vợ là bà Bùi Thị Nga làm bún để giao, bán tại các chợ lân cận.
Là người duy nhất trong gia đình nối nghề của cha ông, hơn 40 năm qua, ông Thịnh đã dành nhiều tâm huyết với nghề làm bún. Năm 1992, 2 vợ chồng ông Thịnh, bà Nga mạnh dạn vay vốn, đầu tư mở rộng nhà xưởng và máy móc để làm bún và gây dựng thương hiệu. Không chỉ học tập kinh nghiệm từ các cơ sở trong tỉnh, ông Thịnh còn lặn lội đi tận miền Nam để học hỏi kinh nghiệm về cải tiến máy móc. Ông chia sẻ: "Để làm bún ngon phải lựa chọn loại gạo trắng, ngon; bột phải nghiền nhuyễn và ủ kỹ". Chính nhờ vậy mà thương hiệu bún của gia đình ông ngày càng được khách hàng ưa chuộng. Năm 2014, gia đình ông được Công ty TNHH Sam Sung Electronics Việt Nam Thái Nguyên ký hợp đồng cung cấp 3 tấn bún/ngày để phục vụ bữa ăn ca cho công nhân. Hiện nay, một ngày gia đình ông Thịnh cung cấp ra thị trường hơn 4 tấn bún các loại; vào những dịp lễ, Tết thì số đơn hàng còn tăng lên nhiều. Với giá bán dao động từ 7-15 nghìn đồng/kg bún tùy loại và cung cấp thêm bánh cuốn, phở, hiện gia đình ông thu nhập trên 30 triệu đồng một tháng. Cùng với đó, cơ sở của gia đình ông Thịnh đang góp phần tạo công ăn việc làm cho hơn 15 lao động là người dân địa phương và con em các hội viên cựu chiến binh, với thu nhập bình quân đạt 5 triệu đồng/người/tháng.
Để mở rộng sản xuất kinh doanh, hiện bên cạnh Công ty TNHH MTV Thương mại và sản xuất Thịnh Nga do ông Thịnh thành lập từ tháng 1 năm 2016, ông cũng đang thành lập một công ty riêng có tên gọi Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Green SoCo. Dự kiến, Công ty sẽ kinh doanh thêm một số mặt hàng như rau xanh, các loại gia vị; nhưng mặt hàng chính vẫn là bún gia truyền.
Chia sẻ về điều này, Ông Thịnh nói "Đối với bản thân là người cao tuổi, khi tham gia phát triển kinh tế mang lại cho tôi rất nhiều lợi ích; không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình mà còn mang lại niềm vui trong cuộc sống; bởi với tôi mỗi gia đình phát triển là một nguồn lực quan trọng để thúc đẩy cả xã hội cùng phát triển".
Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Thịnh thường xuyên quan tâm, giúp đỡ các hội viên cựu chiến binh trong chi hội |
Không chỉ năng động trong phát triển kinh tế gia đình, ông Thịnh còn tích cực tham gia hoạt động xã hội. Hiện, ông đang giữ chức vụ là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội phó Chi hội nông dân, Chi hội trưởng Chi hội chữ thập đỏ và Trưởng Ban công tác Mặt trận của tổ dân phố. Mặc dù, công việc bận rộn, nhưng ở cương vị nào, ông Thịnh cũng luôn hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ của mình và luôn quan tâm, giúp đỡ để các hội viên cùng phát triển.
Anh Nguyễn Văn Truân, hội viên Chi hội cựu chiến binh Tổ dân phố 1, phường Mỏ Chè, TP Sông Công cho biết: "Ông Thịnh mặc dù bận rộng với việc phát triển kinh tế gia đình, nhưng luôn quan tâm, giúp đỡ các hội viên cựu chiến binh trong chi hội; mỗi khi có hội viên ốm đau ông đều nhiệt tình thăm hỏi; cùng với đó cũng tạo điều kiện việc làm cho nhiều con em hội viên cựu chiến binh của địa phương".
Cùng chung suy nghĩ với anh Nguyễn Văn Truân, khi đánh giá về ông Nguyễn Ngọc Thịnh, ông Vũ Ngọc Lương, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Mỏ Chè, TP Sông Công cho biết: "Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Thịnh có phong cách sống giản dị, gần gũi, luôn cần cù lao động. Mô hình làm kinh tế của ông Thịnh đã đem lại hiệu quả thiết thực và là tấm gương điển hình về ý chí vươn lên thoát nghèo để mọi người học tập”.
Với những đóng góp tích cực của mình, những năm qua, cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Thịnh đã được UBND tỉnh, UBND TP Sông Công, Hội Cựu chiến binh các cấp tặng Bằng khen, Giấy khen vì những thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực. Đó là động lực quan trọng và to lớn giúp ông tiếp tục tham gia phát triển kinh tế gia đình và các hoạt động xã hội, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương./.