Quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thực hiện
Chưa tạo được sự bền vững
Theo Trung tướng Lê Quý Đạm, Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật (TCKT), những năm qua, cùng với sự phát triển của đất nước, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác AT, VSLĐ, PCCN bằng các nghị quyết lãnh đạo và thể chế hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa thành những thông tư, quy định, chế độ, chính sách vận dụng thực hiện trong toàn quân. Theo đó, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ, người lao động có nhiều chuyển biến; năng lực hoạt động của hệ thống tổ chức làm công tác AT, VSLĐ, bảo hộ lao động (BHLĐ) được nâng cao; các điều kiện bảo đảm an toàn huấn luyện, SSCĐ, diễn tập, phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn và lao động, sản xuất được tăng cường đáng kể. Song, những kết quả tiến bộ trong toàn quân chưa đồng đều, có mặt chưa tạo được sự bền vững; còn hạn chế, thiếu sót về ý thức tự giác chấp hành quy định AT, VSLĐ, PCCN, để xảy ra những vi phạm đáng tiếc, có vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng.
Giáo viên Trường Trung cấp Cầu đường và Dạy nghề (Binh đoàn 12) huấn luyện sử dụng thiết bị bảo vệ an toàn lao động trên cao cho học viên. |
Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, khuyết điểm nêu trên về cơ bản là do các cơ quan, đơn vị quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chưa nghiêm, chưa sát và chưa toàn diện. Nhận thức của một số cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị về các nguy cơ mất an toàn chưa đầy đủ; công tác huấn luyện, kiểm tra, chấn chỉnh việc chấp hành các quy trình, quy phạm kỹ thuật chưa thường xuyên. Qua thanh tra công tác AT, VSLĐ và PCCN của TCKT tại một số đơn vị, nhiều lãnh đạo, chỉ huy đơn vị đã thừa nhận vấn đề này. Thượng tá Trần Văn Bắc, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Công binh 543 (Quân khu 2) cho rằng, còn có những hạn chế trong công tác AT, VSLĐ, PCCN là do nhận thức của một số cán bộ, chiến sĩ về công tác này còn hạn chế; coi nhẹ các nguyên tắc, quy tắc an toàn trong vận hành, sử dụng trang thiết bị; công tác đôn đốc, kiểm tra của cán bộ trung đội, đại đội có lúc còn sơ sài, đại khái, thiếu trách nhiệm.
Ở Quân khu 3, mặc dù cấp ủy, chỉ huy các cấp đã có nhiều chủ trương, giải pháp khoán đồng bộ, nhưng trong năm 2016, LLVT quân khu vẫn để xảy ra 5 vụ tai nạn lao động, sự cố cháy, nổ. Hạn chế đó là do việc quán triệt, giáo dục cán bộ, chiến sĩ, người lao động thiếu chiều sâu nên nhận thức, ý thức chưa đầy đủ, dẫn đến thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định; biên chế lực lượng chuyên trách mỏng; công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy trình, quy định, quy tắc an toàn có lúc chưa đều, chưa làm hết chức năng, nhiệm vụ.
Qua tiến hành thanh tra tại một số đơn vị, Đoàn công tác TCKT-Cơ quan thường trực Bộ Quốc phòng về AT, VSLĐ đánh giá: Cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác AT, VSLĐ, PCCN, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Tuy nhiên, qua thanh tra, kiểm tra, nhận thức của một số cán bộ, nhất là cấp cơ sở chưa thật sâu sắc, đầy đủ, có biểu hiện hình thức trong triển khai các nội dung, mục tiêu của công tác AT, VSLĐ. Vai trò tham mưu của hội đồng AT, VSLĐ cấp cơ sở cho lãnh đạo, chỉ huy ở một số đơn vị chưa phát huy tốt, chưa tạo được mối kết hợp chặt chẽ giữa các cấp. Cán bộ bố trí chuyên sâu về công tác AT, VSLĐ còn khó khăn nên việc hướng dẫn, triển khai nội dung các văn bản quy phạm pháp luật, thống kê, báo cáo theo phân cấp chưa kịp thời, dẫn đến chất lượng công tác thiếu vững chắc.
Quyết liệt, đồng bộ các giải pháp
Theo Thiếu tướng Trịnh Đình Tư, Phó chủ nhiệm TCKT, thì toàn quân cần bám sát nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai xây dựng, tổ chức thực hiện tốt kế hoạch, chương trình về AT, VSLĐ, PCCN, sát với nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ. Để thực hiện tốt, trước hết phải chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm cao cho bộ đội, người lao động về công tác AT, VSLĐ, PCCN. Cần tập trung vào đối tượng trực tiếp chỉ huy, quản lý và cán bộ, chiến sĩ, người lao động làm việc trong các lĩnh vực, công việc, vị trí có nguy cơ mất an toàn, cháy, nổ cao. Gắn kết quả thực hiện công tác AT, VSLĐ với việc đánh giá hoàn thành nhiệm vụ, chức trách của đơn vị và người chỉ huy; chú trọng xây dựng mô hình điểm, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay ra toàn quân.
Từ thực tế thanh tra, kiểm tra công tác AT, VSLĐ, Đại tá Nguyễn Bá Chí, Trưởng phòng AT, BHLĐ Quân đội (Bộ Tham mưu TCKT), cho biết: "Trong thời gian tới, TCKT phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, bổ sung, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về công tác AT, VSLĐ để trình cấp thẩm quyền phê duyệt, ban hành; tiếp tục tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai công tác AT, VSLĐ, PCCN phù hợp quy định pháp luật và đặc thù nhiệm vụ đơn vị quân đội. TCKT chỉ đạo ngành, tổ chức tốt Tháng hành động về AT, VSLĐ hằng năm; triển khai huấn luyện, tập huấn công tác AT, VSLĐ, PCCN; tăng cường thanh tra, kiểm tra, thực hiện nghiêm việc khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động theo quy định. Các vụ tai nạn lao động, huấn luyện, cháy, nổ, sự cố kỹ thuật phải được tổ chức rút kinh nghiệm kịp thời để có biện pháp khắc phục, ngăn ngừa tái diễn.
Thực tế các vụ việc tai nạn lao động, huấn luyện cháy, nổ, chủ yếu là do chủ quan, vi phạm quy tắc, quy trình làm việc. Vì vậy, các giải pháp thực hiện công tác AT, VSLĐ, PCCN cần phải đồng bộ, chú trọng hiệu quả và thực chất hơn. Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó tư lệnh Binh đoàn 12 cho rằng, ngoài việc tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn, cơ quan, đơn vị cần chủ động nắm bắt và triển khai thực hiện tốt các chế độ, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm về AT, VSLĐ, PCCN trong thực hiện các nhiệm vụ. Đồng thời không ngừng cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, tạo điều kiện cho người lao động được làm việc trong môi trường an toàn nhằm giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Cũng như các đơn vị toàn quân, binh đoàn tiếp tục kiện toàn Hội đồng BHLĐ, mạng lưới an toàn, vệ sinh viên; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý, sử dụng lao động và người lao động.