Giám sát tới cùng việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của Quốc hội
Quốc hội Khóa XV, Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. |
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Đây lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai hoạt động “giám sát lại”, thể hiện trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giám sát đến cùng việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; qua đó đánh giá một cách toàn diện, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, từ đó có những giải pháp để tháo gỡ kịp thời, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát. Đồng thời, cũng thể hiện sự đồng hành của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ trong việc thực hiện, triển khai các yêu cầu đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra trong các nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Theo chương trình phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn 02 nhóm vấn đề: nhóm vấn đề về lĩnh vực Công thương; Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Văn hóa, thể thao và du lịch; nhóm vấn đề thứ 2 liên về lĩnh vực Tư pháp; Nội vụ; An ninh, trật tự, an toàn xã hội; Thanh tra; Tòa án; Kiểm sát.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, đại biểu Đoàn Thị Hảo, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên nêu vấn đề: Quyết định số 1490 của Thủ tướng Chính phủ đề ra mục tiêu, về thu nhập người trồng lúa, giá trị gia tăng, đến năm 2025, cụ thể: “Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 30%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 40%” Đề nghị Bộ trưởng cho biết, đến thời điểm này, mục tiêu trên đã được triển khai, đạt kết quả như thế nào?
Điểm cầu tỉnh Thái Nguyên. |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn: "Lợi nhuận của người trồng lúa thì phải nói tới bài toán trừ lấy giá bán trừ chi phí bỏ ra, trước giờ chúng ta chỉ nghĩ làm sao giá bán cao nhưng trong nền kinh tế thị trường thì nói giá bán nào hợp lý trong cung cầu của thị trường thế giới hay kể cả thị trường trong nước, do đó lợi nhuận của người nông dân còn bằng cách chúng ta giảm chi phí. Thực hiện đề án 1 triệu ha lúa dùng chuyên canh lúa chất lượng cao giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long và vụ thu hoạch đầu tiên ở Cần Thơ đã minh chứng có thể giảm khoảng 30% chi phí nghĩa là đã tăng lên tương ứng với lợi nhuận người nông dân. Người dân đồng bằng sông Cửu Long ngày xưa phải dùng khoảng 15 - 20kg lúa Cho 1000m2, bây giờ chỉ cần 6kg lúa, giống giảm thì thuốc giảm, phân bón giảm, nhân công giảm, tất cả điều đó tạo ra một hiệu ứng để làm giảm chi phí và đúng như phương châm của nước ngoài là ít hơn để được nhiều hơn".
Bộ trưởng Bộ NN và PTNN cũng trả lời chất vấn đối với các ý kiến đại biểu các tỉnh nêu về Giải pháp bảo vệ thương hiệu nhãn hiệu, thương hiệu nông sản; Nâng cao sản lượng, chất lượng phân bón trong thời gian tới; vướng mắc nào trong quá trình thực hiện vận động Ủy ban Châu Âu gỡ bỏ thẻ vàng về thủy sản đối với Việt Nam; giải pháp, lộ trình sắp xếp, di dời, bố trí lại dân cư vùng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của thiên tai; giải pháp xử lý tình trạng sụt, lún tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đối với 2 lĩnh vực chất vấn thuộc trách nhiệm trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ trưởng Bộ Công Thương, ý kiến đại biểu tập trung vào các giải pháp kịp thời trước tình trạng mai một một số bộ môn nghệ thuật truyền thống; khó khăn trong tuyển sinh đối với các trường văn hóa nghệ thuật; giải pháp để đa dạng các sản phẩm du lịch đêm; giải pháp xử lý triệt để vấn nạn hàng giả, hàng nhái, các trường hợp vi phạm về xuất xứ hàng hóa; vấn đề điều hành giá điện; giải pháp dự trữ xăng dầu trong thời gian tới?
Đại biểu Lý Văn Huấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên nêu câu hỏi chất vấn về vấn đề xuất khẩu nông sản: Hàng hóa nội sản của nước ta được đánh giá là phong phú, nhưng thực trạng cho thấy hàng hóa nông sản khó thâm nhập vào thị trường các nước Châu Âu và một số nước khó tính, vậy Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân chính của tồn tại hạn chế này, giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới để khắc phục tình trạng trên?
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn: "Do quy mô sản xuất chúng ta nhỏ, phương thức lạc hậu cho nên sản phẩm sản lượng thấp, chất lượng không ổn định thậm chí không đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu dùng; thiếu quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi và chưa áp dụng công nghệ tiêu chuẩn; sản phẩm xuất chủ yếu là thô và sơ chế chưa qua chế biến nhiều, nên giá trị chưa cao, chưa đủ sức cảnh tranh. Thời gian tới Bộ Công thương đề nghị chú trọng quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi áp dụng công nghệ sản xuất để có sản phẩm đủ lớn và đạt tiêu chuẩn; địa phương, doanh nghiệp sản xuất chú trọng xây dựng và củng cố thương hiệu sản phẩm quốc gia thay vì sản phẩm và thương hiệu địa phương và doanh nghiệp, chú ý cấp mã số vùng trồng bảo hộ thương hiệu, chỉ giới đại lý và chất lượng sản phẩm; thay đổi tập quán sản xuất từ có gì bán nấy sang sản xuất hàng hóa, người sản xuất phải trả lời được các câu hỏi làm cái gì, bán ở đâu, cho ai, giá bao nhiêu từ xuất khẩu tiểu ngạch phải sang xuất khẩu chính ngạnh".
Trong chương trình làm việc buổi chiều, Quốc hội tiếp tục chất vấn các Bộ trưởng, Trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực thứ hai, gồm các lĩnh vực: tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát.
Các ý kiến chất vấn tập trung vào các vấn đề liên quan tới tiến độ thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, một số khó khăn trong quá trình thực hiện tại các địa phương; Giải pháp khắc phục tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật; Giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác giám định tư pháp; Giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án; Giải pháp thống nhất hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Ngày làm việc đầu tiên của Phiên chất vấn tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và xây dựng; các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội đã bám sát các nội dung chất vấn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao các Bộ trưởng, Trưởng ngành đã chuẩn bị tốt nội dung, tập trung trả lời vào các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm; giải trình khá đầy đủ về các vấn đề còn tồn tại, hạn chế. Đồng thời, ghi nhận nỗ lực của các Bộ trưởng trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề xuất các giải pháp khắc phục những bất cập trong phạm vi phụ trách. Các nội dung lĩnh vực chất vấn sẽ được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận trong phiên chất vấn diễn ra sáng 22/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ ban hành nghị quyết về các nội dung chất vấn của Chính phủ và các cơ quan có liên quan để tổ chức thực hiện./.