Quảng Ninh: Đủ mọi chiêu trò núp bóng "tour 0 đồng"
"Các doanh nghiệp kinh doanh tour 0 đồng luôn thiên biến vạn hóa"
Sau thời gian im ắng, tạm thời đóng cửa, thời gian gần đây một số cửa hàng mua sắm “chỉ bán cho khách Trung Quốc” ở Quảng Ninh bắt đầu hoạt động trở lại. Giá tour cũng thấp thê thảm từ 950 NDT/ tour 3 đêm, 4 ngày/ khách (khoảng 3 triệu VNĐ) xuống còn 300 NDT/ khách (khoảng 900 nghìn VNĐ). Một số nơi, các tour "giá 0 đồng" cũng xuất hiện trở lại.
Dịch vụ tour theo hình thức này đã từng làm lũng đoạn thị trường, gây méo mó hình ảnh du lịch Quảng Ninh trong suốt một thời gian dài. Theo đó, nhiều cửa hàng móc nối với các đơn vị lữ hành Trung Quốc, ép khách vào mua sắm với giá “cắt cổ”. Chỉ với những chiếc đệm cao su, vòng ngọc, trầm hương… rẻ tiền, không rõ nguồn gốc xuất xứ đã được các đơn vị, doanh nghiệp “phù phép” trở thành mặt hàng cao cấp lừa bán cho khách Trung Quốc. Điều đáng nói, chỉ khi về nước, đem ra sử dụng, họ mới vỡ lẽ mình bị lừa!
Bà Nguyễn Thị Bảo (Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh) cho hay những đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh "tour 0 đồng" luôn “thiên biến vạn hóa”, ẩn mình dưới vỏ bọc mang tên người Việt nhưng thực chất đứng đằng sau đều là người Trung Quốc. “Các cơ quan chức năng tiến hành đóng cửa chỗ này thì họ lại mọc lên ở một chỗ khác, dưới một vỏ bọc, tên gọi hoàn toàn mới nên rất khó xử lý”, bà Bảo nói.
Một đoàn khách du lịch người Trung Quốc được hướng dẫn viên đưa tới khu vực mua sắm bên ngoài Chợ Hạ Long. (Ảnh: Dân Việt) |
Các cửa hàng bán đồ cho người Trung Quốc chính là cách giúp các đơn vị bán tour siêu rẻ bù lỗ. Đủ các hình thức chiêu trò lừa đảo, núp bóng dưới hình thức bán hàng lưu niệm, đệm cao su… Các doanh nghiệp lữ hành sẽ lấy lại doanh thu bằng việc thu tiền trên đầu khách, khoán cho các hướng dẫn viên bắt khách đi mua sắm, vui chơi giải trí với giá cao gấp nhiều lần. Có nhiều trường hợp khách không mua, người tổ chức tour sẽ bù lại bằng việc cắt giảm các dịch vụ thậm chí là “đem con bỏ chợ”.
Một điểm bán hàng phục vụ khách Trung Quốc vừa mở cửa trở lại tại TP.Móng Cái. (Ảnh: Lao Động) |
Bà Bảo cho rằng, xét về một khía cạnh nào đó, phía Việt Nam vẫn thu lợi từ phí xuất nhập cảnh, tiền khách sạn, ăn uống và vé tham quan. Tuy nhiên, cách làm ăn chộp giật của các cửa hàng bán không đúng giá sẽ ảnh hưởng đến uy tín của du lịch Việt Nam. Nhiều du khách sẽ có ấn tượng không tốt khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng thậm chí khó chịu khi bị ép sử dụng các dịch vụ mà họ không muốn.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh cũng cho hay, các cửa hàng bán đồ cho khách Trung Quốc mở cửa trở lại trong thời gian gần đây không phải là các đơn vị bị các cơ quan chức năng yêu đóng cửa thời gian vừa qua. “Đây hoàn toàn là những cơ sở mới và đứng đằng sau là những người Trung Quốc. Chúng tôi cũng đang tập hợp danh sách để kiến nghị, phối hợp với các cơ quan chức năng chấn chỉnh tình trạng này”, bà Bảo thông tin.
Tour "0 đồng" vẫn có giá trị trong mùa thấp điểm đón khách?
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân trí ông Trịnh Đăng Thanh (Phó giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh) cho hay, thời gian qua khách Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái ngày một tăng. Nếu như năm 2011 chỉ có 99.000 lượt khách, thì đến hết năm 2016, con số này đã vọt lên 596.000 lượt khách.
Riêng quý I/2017, khách Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ ước tính đạt khoảng 230.000 lượt. Trung Quốc là thị trường du lịch mục tiêu và truyền thống của du lịch Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung. Vì vậy trong nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã nghiên cứu, đề xuất và ban hành nhiều biện pháp để quản lý nhằm đảm bảo duy trì tốt môi trường kinh doanh du lịch.
Biển người chen chúc đợi làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu Đông Hưng để nhập cảnh vào Móng Cái ngày 17.3.2017. (Ảnh: Lao Động) |
Tính từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5-2017, Thanh tra Sở Du lịch Quảng Ninh đã xử phạt nhiều đơn vị kinh doanh lữ hành với số tiền lên tới hàng trăm triệu, trong đó tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế đối với 5 doanh nghiệp trong thời hạn 12 tháng. Một số hướng dẫn viên du lịch không đáp ứng đủ yêu cầu cũng bị chấn chỉnh, tước thẻ.
Riêng đối với một số cơ sở mua sắm, điểm bán hàng lưu niệm tại TP Hạ Long liên kết các đơn vị kinh doanh lữ hành du lịch để tổ chức các “tour 0 đồng” cho du khách Trung Quốc, vi phạm các hoạt động kinh doanh, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của du khách cũng bị xử lý nghiêm, nhiều điểm bị tạm dừng hoạt động.
“Nhiệm vụ của tỉnh là làm sao thu hút được khách đến, trong đó đảm bảo lợi ích hài hòa giữa việc tăng doanh thu và quyền lợi của du khách. Nếu các cửa hàng trên tuân thủ đầy đủ các quy định, yêu cầu trong hoạt động kinh doanh thì hoàn toàn được phép mở cửa trở lại. Quan điểm của chúng tôi là không dung túng, bao che cho các hành vi bắt chẹt, o ép du khách nhưng cũng luôn tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động, phục vụ khách hàng”, ông Thanh nói.
Liên quan đến việc xuất hiện trở lại của các tour giá rẻ, ông Thanh cho rằng, hiện nay đang là mùa thấp điểm đón khách quốc tế. Quảng Ninh có khoảng 1.300 cơ sở lưu trú, trong đó chỉ có 50 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao còn lại là những khách sạn và nhà nghỉ nhỏ. Quy mô các cơ sở lưu trú này sẽ tương ứng phục vụ với các dòng khách khác nhau. “Chúng ta phải có cái nhìn khách quan. Nếu các tour giá rẻ, đảm bảo được quyền lợi của du khách thì nó cũng có giá trị nhất định trong việc thu hút khách quốc tế đến du lịch”, ông Thanh khẳng định.
Trước đó, trao đổi với Pv Dân Trí, ông Ngô Hoài Chung (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch) cho rằng, tình trạng “tour 0 đồng” không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà cũng khá phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Về mặt trái, hình thức kinh doanh này làm méo mó hình ảnh du lịch Việt, gây thất thoát thuế, làm biến tướng hoạt động của lữ hành. Dẫn đến đến việc quản lý hoạt động của du khách cũng như đảm bảo chất lượng dịch vụ không được như cam kết ban đầu. Tuy nhiên, nhiều nơi để quảng bá điểm đến, thu hút khách du lịch người ta vẫn chấp nhận sự tồn tại của những loại tour này, miễn là đảm bảo được quyền lợi của du khách, chứ không phải triệt hạ nó một cách hoàn toàn.
"Thực tế, một số quốc gia trên thế giới như Thái Lan đã xử lý và làm rất gay gắt về tình trạng “tour 0 đồng”. Điều này làm khách Trung Quốc đồng loạt bỏ tour, dẫn tới sự sụt giảm nghiêm trọng lượng khách Trung Quốc đến quốc gia này.
Bộ Du lịch Thái Lan ngay sau đó đã phải có những giải pháp để chấn chỉnh, thu hút khách Trung Quốc bằng cách tổ chức hàng loạt hoạt động xúc tiến thương mại. Đây cũng là kinh nghiệm để Việt Nam chúng ta có những ứng xử, bước đi phù hợp", ông Chung nói.