Triệt tiêu tour 0 đồng: Phải là điểm đến 'đáng đồng tiền bát gạo'
Du lịch cộng đồng giúp phát triển kinh tế địa phương. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Những năm gần đây diện mạo ngành du lịch Việt Nam đã và đang có bước chuyển mình mạnh mẽ. Một số tụ điểm kinh doanh tồn tại lâu năm với hình ảnh nhếch nhác nằm trong vùng lõi di sản hoặc các khu du lịch trọng điểm đã được quy hoạch lại đẹp đẽ, khang trang, quy củ. Hàng loạt khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp “mọc lên” giúp tạo ấn tượng mới cho du khách về một điểm đến Việt Nam sang trọng, khởi sắc…
Đặc biệt, trong chủ trương, định hướng chiến lược phát triển, ngành du lịch xác định sẽ hướng tới chất lượng, hiệu quả, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh chứ không đi theo định hướng phát triển du lịch giá rẻ. Bởi nếu cứ loay hoay với du lịch thấp cấp thì không biết đến khi nào ngành "công nghiệp không khói" đang được xác định là trọng tâm phát triển kinh tế nước nhà mới có thể “cất cánh.”
Tuy nhiên, trong thực tế thời gian qua vẫn nảy sinh nhiều tiêu cực phức tạp, một trong số đó là biến tướng của tour giá rẻ đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động du lịch được biết với tên gọi: tour 0 đồng.
Phát triển du lịch tàu biển là một trong những giải pháp thu hút dòng khách cao cấp tới Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Với việc duy trì và phát triển các tour giá rẻ mà thiếu các biện pháp quản lý dẫn đến những biến tướng tiêu cực, đặc biệt là việc cần thiết phải thu hút đa dạng các đối tượng khách đến Việt Nam, trao đổi với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch, khẳng định không nên coi Việt Nam là điểm du lịch giá rẻ mà cố gắng làm sao để Việt Nam trở thành điểm đến du lịch đáng tiền, tức là khách trả tiền tương xứng với dịch vụ mà họ được cung cấp.
Ông Anh Tuấn cho rằng, khách quốc tế đến Việt Nam hiện nay có đối tượng khách balô, họ đến và sử dụng những dịch vụ giá trị thấp, hoặc đi tới các điểm du lịch xa xôi rồi so sánh với các quốc gia khác thì thấy ở Việt Nam là du lịch giá rẻ. Từ đó, dẫn đến có nhiều chuyên trang du lịch bình chọn Việt Nam là điểm đến giá rẻ.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này lại cho rằng: “Dòng khách du lịch balô này càng cần được khuyến khích, vì họ chính là đối tượng sinh viên, những nhà khoa học kể cả các cán bộ nhưng họ muốn đi trải nghiệm. Với mức tiền nhất định họ sẽ chọn đi một hành trình dài và tiêu vừa phải nhưng sẽ là đối tượng khách tiềm năng cho du lịch Việt Nam trong tương lai. Vì vậy, chúng ta cần phát triển đa dạng các đối tượng khách.”
Giới trẻ, dòng khách tiềm năng của du lịch Việt. (Ảnh: CTV/Vietnam+) |
Bên cạnh việc ưu tiên lựa chọn để thu hút khách mà ưu tiên cao là khách du lịch dài ngày như vậy thì theo một số đại diện doanh nghiệp lữ hành, vẫn phải chú trọng đa dạng các loại hình khách du dịch để đảm bảo cung cấp được các dịch vụ tương xứng, phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ.
“Chúng ta tránh chuyện kinh doanh du lịch rẻ tiền ở chỗ là chúng ta bán giá cả không tương xứng với chất lượng dịch vụ, dịch vụ quá thấp và giá cả rẻ mạt thì làm cho hình ảnh về du lịch kém đi. Bên cạnh đó, cần quan tâm thu hút đối tượng khách cao cấp cho các khu nghỉ dưỡng, giải trí ở các thành phố lớn, đồng thời vẫn thu hút khách tới du lịch cộng đồng ở những bản làng xa xôi là những nơi có tiềm năng du lịch để tăng thu nhập cho người dân, trải rộng các nguồn lợi kinh tế từ du lịch cho cộng đồng,” ông Anh Tuấn nhấn mạnh.
Theo ông Anh Tuấn, ngành du lịch Việt phải cung cấp dịch vụ tương xứng với nhiều đối tượng khách khác nhau mới mong làm hài lòng và hấp dẫn du khách. Nếu “bài toán” này làm tốt thì đương nhiên không cần phải chạy theo để giải quyết hậu quả của câu chuyện “tour 0 đồng.”
Du khách quốc tế thích thú với đặc sản biển Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+) |
Ngay như trong phiên chất vấn của các đại biểu Quốc hội chiều qua (ngày 5/6), Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cũng đã khẳng định bản chất tour 0 đồng là “lừa đảo,” và mong muốn có sự phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các địa phương cùng vào cuộc để xử lý tận gốc vấn nạn này.
Trước đó, trong cuộc họp tổng kết năm ngoái, lãnh đạo ngành du lịch cũng từng khá đau đầu tính cách “dẹp loạn” tour 0 đồng, giúp tour giá rẻ phát huy đúng ý nghĩa tích cực.
Giải quyết việc này thực sự cần “cái bắt tay” chung một ý chí và quyết tâm của các cấp chính quyền địa phương, nâng cao trách nhiệm và tăng cường kiểm soát các cửa hàng kinh doanh khép kín mang tính lừa đảo; kiểm soát chất lượng hàng hóa, không cho giao dịch chui, trốn thuế, chuyển tiền trái phép ra nước ngoài.
Intercontinental Danang Sun Peninsula Resort, khu nghỉ dưỡng hấp dẫn dòng khách sang của du lịch Việt. (Ảnh: CTV/Vietnam+) |
Đặc biệt, các nhà quản lý cần thanh kiểm tra thường xuyên, quyết liệt xử phạt và rút giấy phép hoạt động những doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên vi phạm pháp luật về kinh doanh lữ hành, ảnh hưởng đến quyền lợi của du khách.
Thậm chí, mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm để cùng “làm sạch” môi trường kinh doanh du lịch. Có như thế, hình ảnh điểm đến quốc gia mới thực sự thân thiện và thu hút được du khách quốc tế, nhất là dòng khách sang có khả năng chi trả cao đến du lịch dài ngày, góp phần thúc đẩy phát triển và tăng trưởng bền vững ngành du lịch nước nhà./.