Cửa hàng chỉ bán cho khách Trung Quốc: Nhức nhối nhưng không dễ giải quyết?
Liên quan đến vụ việc, một số cửa hàng chỉ phục vụ khách Trung Quốc xuất hiện và hoạt động trở lại ở Quảng Ninh, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết đã nắm được thông tin.
Ông Phương cho rằng nếu các cửa hàng này có giấy đăng ký kinh doanh hợp pháp thì hoàn toàn được mở cửa để phục vụ du khách. “Các cửa hàng được quyền bán cho mọi đối tượng khách, nếu là du khách nước ngoài thì càng tốt và nên khuyến khích. Tuy nhiên, vấn đề là đằng sau đó họ có bán hàng đúng như cam kết, giá cả niêm yết hay không mà thôi”, ông Phương nói.
Ông Phương thừa nhận, ở một số địa phương thời gian qua có xảy ra hiện tượng biến tướng của các hình thức tour giá rẻ, “tour 0 đồng” như: Bán hàng không rõ nguồn gốc, ép khách sử dụng dịch vụ hoặc không niêm yết giá cụ thể… gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch. Nhiều chiến dịch ra quân, nhiều biện pháp mạnh tay đã được thực hiện nhằm chấn chỉnh hiện tượng này. Thậm chí ở Quảng Ninh, 15 điểm bán hàng chỉ phục vụ khách du lịch Trung Quốc cũng đã bị buộc dừng hoạt động kinh doanh.
Một cửa hàng chỉ bán hàng cho người Trung Quốc ở phường Hà Khẩu đã từng bị xử phạt 500 triệu đồng. (Ảnh: An Nhiên) |
Tuy nhiên, theo ông Phương việc xử lý các các cửa hàng vi phạm như trên gặp nhiều khó khăn do thiếu sự đồng bộ, phối hợp giữa các ngành chức năng. “Phía ngành Du lịch chỉ có thể xử lý các công ty lữ hành, hướng dẫn viên vi phạm. Để quản lý được các điểm bán hàng này cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền cùng các cơ quan chức năng, như: Thuế, ngân hàng, công an… ”, ông Phương nói.
Thực tế, theo ông Phương hiện tượng tiêu cực như báo chí phản ánh chỉ là mặt trái của tour giá rẻ, “tour 0”. Về bản chất, hình thức tour này vẫn có giá trị nhất định trong việc thu hút khách du lịch. Đây là biện pháp cạnh tranh giữa các hãng lữ hành, điểm đến. Trong đó, các doanh nghiệp lữ hành và dịch vụ liên kết để bán sản phẩm nhằm bù chi phí giá tour. Ở một số quốc gia như Thái Lan, hình thức tour này phát triển khá mạnh. Theo ông Phương, điều quan trọng là chúng ta cần phải có cơ chế để quản lý tốt hơn hoạt động của loại tour này.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tuấn (Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch) cho biết, tour giá rẻ, “tour 0 đồng” có những mặt không tốt và tiêu cực làm lệch lạc, méo mó hình ảnh điểm đến của du lịch Việt Nam, đây là điều đã nhìn thấy rõ và đòi hỏi phải có những biện pháp giải quyết trước mắt và lâu dài. Để chấn chỉnh các địa phương cần rà soát, phân loại, quy hoạch các điểm bán hàng cho khách du lịch; kiên quyết không để tình trạng khép kín trong các trung tâm bán hàng cho khách du lịch nước ngoài.
Ngoài ra, cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương về thuế và thị trường để kiểm soát tình hình, tập trung siết chặt quản lý về ngoại hối, thanh toán, chuyển tiền quốc tế của các doanh nghiệp lữ hành với đối tác nước ngoài; thanh toán ngoại tệ tại các điểm mua sắm; chống thất thu thuế và các quy định về quản lý, sử dụng hóa đơn tài chính; kiểm soát chất lượng, xuất xứ hàng hóa.
“Chủ trương của chúng tôi là các địa phương vẫn phải đảm bảo thu hút khách và có sự quản lý để tránh xảy ra tiêu cực. Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan Trung Quốc cũng như các doanh nghiệp Trung Quốc để kiểm soát vấn đề này. Chúng ta cần có giải pháp đồng bộ để bảo vệ quyền lợi cho du khách. Trong đó, vai trò của chính quyền địa phương, thanh tra kiểm tra, các cơ quan trong việc thu chi ngoại tệ, quản lý về thuế phải thể hiện rõ”, ông Tuấn nhấn mạnh.