Quản lý đất đai đáp ứng yêu cầu hội nhập
Thái Nguyên là 1 trong 4 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước triển khai dịch vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai của hộ gia đình, cá nhân trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Trong thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên đã triển khai dự án số hóa quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai của 9 huyện, thành phố, thị xã, cho đến thời điểm này đã hoàn thành tại 2 huyện Định Hóa và Phú Lương, các địa phương còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2021. Đây là dữ liệu rất quan trọng để phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai của tỉnh, phục vụ cho việc cung cấp thông tin đất đai, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, sử dụng dữ liệu đất đai phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai.

Bà Nguyễn Thị Loan, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên cho biết: “Đối với công tác ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai chính quyền, chính phủ điện tử, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên đã ứng dụng phổ biến các hệ thống văn bản, đi đến hồ sơ công việc, hệ thống dịch vụ công trực tuyến, 1 cửa điện tử, thư điện tử và các phần mềm hỗ trợ quản lý nhà nước và điều hành phục vụ theo phân công của ngành đã góp phần cải cách hành chính, giảm giấy tờ, nâng cao năng suất lao động hiệu quả, chỉ đạo điều hành và chuyên môn nghiệp vụ”.

Bên cạnh đó, sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh công bố 25 thủ tục hành chính về đất đai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; thực hiện kết nối liên thông điện tử giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký đất đai trong luân chuyển hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất. Thái Nguyên cũng là 1 trong 4 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước triển khai dịch vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai của hộ gia đình, cá nhân trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Ông Kiều Quang Khánh, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Thái Nguyên thông tin: “Sau khi hồ sơ được tiếp nhận dạng số thì cán bộ của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh sẽ thẩm định hồ sơ theo môi trường số và thực hiện chuyển thông tin nghĩa vụ tài chính theo dạng số cho cơ quan thuế. Và cơ quan thuế sẽ thông báo nghĩa vụ tài chính cho công dân thông qua phần mềm và gửi qua mail. Người dân sẽ nộp thuế trực tuyến trên Cổng dịch vụ công trực tuyến Quốc gia”.

Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phường Quang Trung, thành phố Thái Nguyên cho biết: “Trên trang dịch vụ công trực tuyến Quốc gia có thông tin của tôi, đăng ký tài khoản và đăng nhập và thanh toán trực tuyến tiền thuế. Tôi không phải mất thời gian tới các cơ quan hành chính nữa, chỉ ngồi nhà là thanh toán xong tiền thuế”.

Để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa công tác quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường đã quan tâm đầu tư hoàn thiện hạ tầng số, trọng tâm là xây dựng Trung tâm dữ liệu ngành Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên phục vụ chuyển đổi số với tiêu chí hiện đại, thông minh, đồng bộ, kế thừa, hiệu quả, có tốc độ cao, an toàn, an ninh mạng, kết hợp giữa mô hình tập trung và phân tán.

Ông Phạm Văn Đức, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên thông tin về: “Hạ tầng số của sở thì đảm bảo kết nối, thu nhận dữ liệu trên nền tảng mới, cung cấp khả năng quản lý, lưu trữ trên nền tảng cơ sở dữ liệu thông tin tài nguyên và môi trường của tỉnh; cung cấp năng lực phân tích, xử lý và đảm bảo cung cấp và chia sẻ dữ liệu thông tin tài nguyên và môi trường theo thời gian thực”.

Quản lý đất đai đáp ứng yêu cầu hội nhập
Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên phấn đấu trên 80% thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai đạt dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Thủ tục hành chính về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đặc biệt là lĩnh vực đất đai rất phức tạp, phải thực hiện nhiều bước công việc, xác minh, kiểm tra thực tế, tuy nhiên, thời gian giải quyết thủ tục hành chính theo quy định mới lại bị rút ngắn hơn so với trước đây. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên phấn đấu duy trì 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng; trên 80% thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai đạt dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; khẩn trương hoàn thiện chương trình chuyển đổi số của Sở Tài nguyên và Môi trường; tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự án, nhiệm vụ ứng dụng Công nghệ thông tin theo Chương trình, kế hoạch công tác; hoàn thành dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai làm tiền để cho việc tăng cường trao đổi thông tin đất đai giữa ngành tài nguyên và môi trường với các ngành; chia sẻ và cung cấp dữ liệu đất đai để thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Loan, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên khẳng định: “Để thực hiện các nhiệm vụ trên thì chúng tôi đề ra các giải pháp thực hiện. Thứ nhất, gắn mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số vào nghị quyết, chương trình hành động của Sở Tài nguyên và Môi trường, đẩy mạnh đào tạo và bồi dưỡng kỹ năng số, kỹ năng xử lý dữ liệu của ngành để sẵn sàng chuyển đổi môi trường làm việc sang môi trường số; Tuyên truyền cho người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực đất đai”.

Với việc ứng dụng triệt để các công nghệ tiên tiến phục vụ công tác điều tra, đánh giá số lượng và chất lượng đất đai, hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu và hệ thống hồ sơ địa chính của cả nước nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng ngày càng được hoàn thiện theo hướng hiện đại, mô hình tập trung, phục vụ đa mục tiêu; đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với các thông lệ của quốc tế, tạo nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.