Chủ động giảm thiểu thiệt hại trong khai thác, chế biến khoáng sản mùa mưa bão
Khu vực Hồ chứa bùn thải của Mỏ sắt Tiến Bộ thuộc Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên. |
Hồ chứa bùn thải của Mỏ sắt Tiến Bộ thuộc Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, nằm trên địa bàn xã Linh Sơn, TP Thái Nguyên, đi vào hoạt động từ năm 2015. Với diện tích mặt hồ 11ha, có sức chứa 6 triệu m³ bùn thải, nằm ở vị trí cao, nên vấn đề an toàn luôn được đơn vị quan tâm. Đặc biệt, trong mùa mưa bão, đơn vị đã chủ động gia cố, lu lèn, cắt tầng xong toàn bộ thân đập, đảm bảo bề rộng mặt đập từ 15-20m.
Ông Nguyễn Bá Huynh, Phó Giám đốc Mỏ sắt Tiến bộ, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên cho hay: "Hàng năm, chúng tôi đã lập phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố về môi trường, quy trình vận hành hồ chứa, củng cố khu vực đê bao để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong mùa mưa bão".
Công tác đảm bảo an toàn trong khai thác, chế biến khoáng sản luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu đối với mỗi đơn vị đã và đang hoạt động khai thác, chế biến cùng chính quyền các địa phương. |
Mỏ đá Đồi Trực nằm trên địa bàn xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, được cấp phép khai thác từ năm 2018. Công suất khai thác 48.000 tấn/năm. Hiện nay, mỏ đang tạm dừng để cấp phép nâng cấp, nhưng đơn vị khai thác vẫn luôn chủ động kiểm tra sạt lở, đảm bảo an toàn.
Ông Lương Hồng Kiên, điều hành Mỏ đá Đồi Trực cho biết: "Chúng tôi kiểm tra thường xuyên những dấu hiệu như vết nứt, sụt lún để kịp thời khắc phục, xử lý".
Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, cũng như việc đảm bảo an toàn cho người dân gần các điểm mỏ, khu vực hồ chứa tại tỉnh Thái Nguyên… công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai đã được ngành chức năng đưa ra những giải pháp cụ thể.
Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên, Phó trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên thông tin: "Đối với một số điểm liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản cũng là những điểm có nguy cơ xảy ra thiên tai lớn, nên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương rà soát, xây dựng phương án, làm việc với các đơn vị khai thác để có phương án khắc phục. Đặc biệt với những vị trí, những điểm trọng yếu có nguy cơ xảy ra cao, liên quan đến đời sống, tính mạng của nhân dân, tỉnh đã yêu cầu các địa phương phối hợp với các cấp, các ngành xây dựng phương án di dời các hộ dân ra các khu vực an toàn".
Hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản trong mùa mưa bão đang là vấn đề được các ngành chức năng tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm. Ngoài việc tổ chức tuyên truyền, tập huấn về công tác đảm bảo an toàn cho các đơn vị, công tác thanh tra, kiểm tra cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những đơn vị vi phạm, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra./.