Phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ cây dược liệu
Cán bộ, sinh viên nghiên cứu khoa học tại Trung tâm đào tạo và nghiên cứu thực địa, Đại học Y Dược |
Trung tâm đào tạo và nghiên cứu thực địa là 1 trong những bộ phận có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được áp dụng vào thực tế của trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên. Để tạo ra những sản phẩm chăm sóc sức khỏe cần phải trải qua nhiều quy trình nghiêm ngặt như đánh giá nguồn gốc, chiết xuất tinh chất, bào chế, kiểm nghiệm.
Ông Trần Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm đào tạo và nghiên cứu thực địa, Đại học Y Dược cho biết: “Khi triển khai các sản phẩm đó, chúng tôi đưa ra ứng dụng trong lâm sàng để làm sao giúp cho những người mắc các bệnh thường gặp mà sử dụng các sản phẩm nghiên cứu rất tốt. Qua đó góp phần chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng tốt hơn.”
Cốm tan Diếp cá là một trong những sản phẩm của rung tâm đào tạo và nghiên cứu thực địa đã được cấp phép lưu hành trên thị trường |
Với mục đích bảo tồn và nghiên cứu ứng dụng dược liệu trong thực tế, thời gian qua trung tâm đã triển khai hàng chục đề tài nghiên cứu. Trong 2 năm 2019-2020 đã có 51 đề tài cấp cơ sở, 4 đề tài cấp đại học và 2 đề tài cấp tỉnh được triển khai thực hiện và áp dụng vào thực tế. Hiện nhiều sản phẩm của trung tâm đã được đăng ký cấp phép lưu hành trên thị trường.
Chị Hoàng Thị Thảo, phường Đồng Quang, thành phố Thái Nguyên, đang sử dụng sản phẩm của Đại học Y dược đã chia sẻ: “Bản thân tôi và gia đình đã sử dụng rất nhiều loại thuốc có nguồn gốc từ thảo dược. Tôi dùng thấy rất hiệu quả và giá thành hợp lý.”
Dược sỹ Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Cửa hàng dược Quang Trung, thành phố Thái Nguyên cho biết: “Khách hàng rất yên tâm về nguồn gốc, và khi sử dụng lâu dài sẽ không có tác dụng phụ. Hiệu quả của các sản phẩm từ thảo dược này tương đương với các sản phẩm từ tân dược.”
Các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ cây dược liệu đã góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân |
Việc triển khai các đề tài nghiên cứu và đưa vào thực tế sẽ góp phần làm giảm giá thành và đa dạng sản phẩm, mang lại thêm nhiều sự lựa chọn cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Vị, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên cho biết: “ Đối với Hội Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh có 27 hội thành viên, trong đó có nhiều hội hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân. Có 2 hướng đi cần quan tâm, thứ nhất là chuyển giao các phương pháp chữa bệnh tiên tiến vào địa bàn Thái Nguyên để bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên. Thứ hai là cố gắng chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật gắn kết với các cơ sở sản xuất để từ dược liệu của địa phương có thể sản xuất ra thuốc chữa bệnh hoặc chăm sóc sức khỏe nhân dân, đồng thời sẽ gắn kết được hoạt động giữa các cơ quan nghiên cứu với các cơ sở sản xuất. Đây là hướng đi mà chúng tôi chú trọng trong thời gian tới.”
Thực tế cho thấy, các công trình nghiên cứu khoa học được triển khai, đặc biệt là trên lĩnh vực y học, chăm sóc sức khỏe đã mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Với đội ngũ tri thức trẻ dồi dào và là trung tâm giáo dục hàng đầu cả nước, Thái Nguyên sẽ trở thành điểm sáng về nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật nói chung cũng như trong lĩnh vực y học nói riêng./.