Giáo dục đa văn hóa - Xu thế của thời đại hội nhập toàn cầu
Một tiết học về văn hóa tại Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên) |
Trong một tiết học về văn hóa thế giới của các sinh viên chương trình tiên tiến, Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Kiến thức được truyền đạt theo cách chân thực, dễ hiểu khiến sinh viên cảm thấy thích thú. Sinh viên Gio Serafin Ivan Jimenez Marcaida, Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên cho biết: “Chúng tôi được các giảng viên dạy kiến thức về các nền văn hóa khác nhau trên thế giới đồng thời cũng được giao lưu với các sinh viên quốc tế đang học tại trường. Điều này giúp tôi nâng cao năng lực để dễ dàng có được một công việc tốt sau khi tốt nghiệp”.
Là một trong số các trường đại học ở Thái Nguyên có nhiều sinh viên quốc tế theo học nhất, Đại học Nông lâm luôn chú trọng đến việc giáo dục đa văn hóa. Sinh viên quốc tế sẽ được tiếp cận kiến thức văn hóa Việt Nam và các nước trên thế giới, sinh viên Việt Nam cũng có cơ hội được trao đổi, giao lưu, học hỏi về các nền văn hóa khác nhau, qua đó dễ dàng trở thành công dân có hiểu biết toàn cầu.
Trở thành công dân toàn cầu là mục tiêu của giáo dục đa văn hóa tại các trường đại học trong Đại học Thái Nguyên |
Chị Lý Thị Thùy Dương, Giám đốc Văn phòng Chương trình Tiên tiến Quốc tế, Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên cho biết: “Để tạo ra những môi trường học tập đa văn hóa cho sinh viên có thể có những trải nghiệm trong nước và quốc tế khác nhau là một trong những hoạt động được nhà trường ưu tiên. Hoạt động này mang lại rất nhiều lợi ích cho các bạn sinh viên, từ việc các bạn được trang bị thêm kiến thức chuyên môn mà còn có những trải nghiệm, kinh nghiệm về các nền văn hóa trên thế giới. Từ đó các bạn ấy có thêm kỹ năng để trở thành công dân toàn cầu”.
Xác định giáo dục đa văn hóa có vai trò quan trọng trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang tăng cường hợp tác, hội nhập, Đại học Sư phạm đã tập trung chỉ đạo nâng cao năng lực của giảng viên để đáp ứng tốt xu thế mới của ngành giáo dục. Không còn các tiết học giảng viên đọc, sinh viên ghi chép, thay vào đó là sự trao đôi, tương tác trực quan, sinh động giữa giảng viên và sinh viên
PGS.TS Cao Thị Hảo, Giảng viên khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên khẳng định: “Mỗi giò học chúng tôi lên lớp, giáo dục đa văn hóa rất được chú trọng. Chúng tôi quan tâm đến văn hóa bản địa của học viên. Đặc biệt là giới thiệu thêm cho các em văn hóa của người Việt Nam”.
Ngoài nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên, xây dựng môi trường giáo dục đa văn hóa để sinh viên các nước có thể giao lưu, thảo luận, học hỏi lẫn nhau cũng được trường ĐHSP chú trọng
Sinh viên Lê Thanh Phương, Khoa Tiếng Anh, Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên chia sẻ về những điều nhận được: “Qua những tiết học đa văn hóa như thế có thể trang bị thêm cho chúng em về kiến thức, giúp bọn em nhiều kỹ năng cho công việc sau này”.
Hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng 4.0 mang đến rất nhiều cơ hội nhưng cũng có không ít thách thức cho Việt Nam. Trước thực tế này, giáo dục đa văn hóa càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới, đồng thời đem kiến thức về văn hóa thế giới đến gần hơn với sinh viên Việt Nam./.