Người trẻ trước đại dịch COVID-19
Buổi sinh hoạt chuyên đề “Người trẻ trước đại dịch COVID-19” thu hút nhiều giảng viên và sinh viên Trường Đại học Sư phạm tham dự

Cởi mở, chân thực từ những câu chuyện trong sách đến những quan điểm cá nhân trong khoảng thời gian không quá ngắn, nhưng lại vừa đủ cho các giảng viên và sinh viên cũng như diễn giả có mặt tại buổi giao lưu tìm được tiếng nói chung và tự xây dựng trách nhiệm cho bản thân trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên thế giới.

Sinh viên Nguyễn Phương Mai, Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm chia sẻ: “Chúng ta nên thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh, luôn có tinh thần lạc quan trong thời kỳ khó khăn nhất và hãy cống hiến những điều gì tốt đẹp nhất cho đất nước và Tổ quốc.”

Diễn giả của buổi giao lưu chính là tác giả của cuốn sách “Paris + 14” với nhiều câu chuyện có sức ảnh hưởng, lan tỏa trong thời gian qua đã trả lời nhiều câu hỏi của các sinh viên, giảng viên. Từ đó nhiều kỷ niệm thú vị của những du học sinh đã từng trải qua thời gian cách ly đã được chia sẻ.

Sinh viên Boun Soukhakuck, du học sinh Lào, khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm chia sẻ: “Em cũng là một người đã trải qua thời gian cách ly, thậm chí còn trải qua thời gian 28 ngày, dài hơn tác giả. Tại Việt Nam, em thấy người dân đã chung tay cùng nhau thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19.”

Người trẻ trước đại dịch COVID-19
Buổi sinh hoạt đã mang đến nhiều bài học quý cho sinh viên.

Không chủ quan, luôn giữ tinh thần chủ động để ứng phó kịp thời với những tình huống từ đại dịch COVID-19, đồng thời tạo ra nhiều những bài học quý cho sinh viên mang đậm triết lý nhân sinh chính là lý do để những buổi sinh hoạt chuyên đề như thế này được tổ chức .

PGS-TS Ngô Thị Thanh Quý, Trưởng khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm cho biết: “Câu chuyện của một cá nhân lại liên quan đến nhiều vấn đề của các quốc gia, dân tộc và toàn nhân loại. Khi đến nói chuyện với sinh viên bằng sự việc người thật, việc thật và bằng những trang văn hết sức mộc mạc, chân thực, giản dị sẽ giúp cho sinh viên có những bài học trải nghiệm tốt.”

Khi “sức đề kháng” tinh thần của mỗi cá nhân trong xã hội khỏe mạnh, triệu con tim chung nhịp đập quyết tâm, thì chắc chắn dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi. Và những buổi sinh hoạt chuyên đề như thế này, không chỉ đạt được mục đích tuyên truyền giáo dục nâng cao tinh thần phòng dịch mà còn đồng hành vượt khó khăn, lan tỏa giá trị nhân văn, bồi đắp tình nhân ái trong cộng đồng./.