Nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo tiêu chuẩn VietGAP thu lợi nhuận mỗi năm hơn 600 triệu đồng/ha. Đây là kết quả đạt được từ Dự án nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo tiêu chuẩn VietGAP do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai tại 13 tỉnh thành trong cả nước.

Từ năm 2014 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với ngành nông nghiệp 13 tỉnh, thành trong cả nước triển khai cho 130 hộ nông dân nuôi 56 mô hình với 64 ha tôm. Trong đó có 52 mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, 4 mô hình nuôi tôm sú.

nuoi tom vietgap thu lai hon 600 trieu dongha

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo Viet GAP tại tỉnh Long An.

Nhờ sự hỗ trợ giống, nguồn vốn và các tiến bộ kỹ thuật của ngành chuyên môn trong việc thực hiện hơn 100 tiêu chí VietGAP đã giúp cho các hộ nuôi tôm đạt hiệu quả cao. Gần 100% hộ nuôi đạt trên 80% tiêu chí VietGAP, năng suất nuôi đạt hơn 11 tấn/ha, cho lợi nhuận hơn 600 triệu đồng/ha, tăng khoảng 30% so với phương pháp nuôi truyền thống.

Theo các ngành chuyên môn, mô hình nuôi tôm VietGAP là hướng đi tất yếu để giúp nhà nông làm giàu, tránh rủi ro do dịch bệnh. Tuy nhiên, để mô hình này đạt hiệu quả cao thì khâu chọn giống, xử lý ao nuôi, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong vấn đề vệ sinh môi trường nước, ghi chép nhật ký nuôi và tuyệt đối không sử dụng chất cấm trong cao nuôi.... là vấn đề cần thực hiện nghiêm ngặt.

Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN&PTNT) cho rằng, mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng Viet GAP nhằm hạn chế dịch bệnh, tạo sản phẩm an tòan thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu cần nhân rộng.

“Nuôi tôm VietGAP có tỉ lệ tôm sống cao hơn, thời gian nuôi ngắn hơn và hệ số thức ăn thấp hơn, tôm to hơn, chất lượng đẹp hơn và giá bán cao hơn. Các doanh nghiệp, đơn vị thu mua không mất thời gian để kiểm tra chất lượng tôm, giảm bớt chi phí. Đặc biệt, tôm đảm bảo chất lượng để xuất khẩu, người tiêu dùng có được sản phẩm an toàn”, ông Tiêu cho biết./.