Nông nghiệp hữu cơ rất cần những nguồn gen quý
Bà Nguyễn Thị Phương Liên, Nông trại hữu cơ Tuệ Viên, đã làm quen với nông nghiệp hữu cơ từ cách đây hơn 10 năm nhưng theo hướng tự đi, tự mò.
Nông nghiệp hữu cơ rất cần những nguồn gen quý. |
Bà Liên cho biết, cái khó mà hầu hết người làm nông nghiệp hữu cơ đang gặp đó là tìm giống bản địa. Đặc biệt, để khai thác được lợi thế vùng miền với giá trị đặc sắc, hương vị nguyên bản sản phẩm phụ thuộc rất lớn vào hạt giống.
Hiện người làm nông nghiệp hữu cơ phải lưu giữ hạt giống cho mùa vụ sau thay vì mua giống lai, năng suất cao trên thị trường. Nếu dùng hạt giống lai, rủi ro là không tương thích đa dạng sinh học, có thể phá vỡ môi trường sinh thái. Trong khi, nguồn gen giống quý bản địa của Việt Nam đang được lưu giữ và nghiên cứu trong các viện, trường... Vì thế, bà Liên rất mong có chính sách của Chính phủ trong việc bảo tồn, tiếp cận nguồn gen bản địa.
Bà Nguyễn Thị Phương Liên, Nông trại hữu cơ Tuệ Viên. |
"Việc bảo tồn gen đã được thực hiện khá lâu nhưng lại nằm ở đề tài, trong "hộc tủ" mà chưa đưa ra thực tế để những người làm nông nghiệp hữu cơ tiếp cận được dễ dàng. Hiện các giống rau thông dụng đã có nhưng nếu làm nông nghiệp hữu cơ ở các địa phương thì rất khó khăn khi tìm lại hạt giống quý", bà Liên cho hay.
Theo Giáo sư - Viện sĩ Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, nước ta có một lượng phong phú giống cây trồng quý, tuy nhiên do công tác bảo hộ bản quyền giống cây trồng chưa được chú trọng đúng mức nên nhiều giống cây trồng trong nước đã bị rơi vào tay nước khác.
Ví dụ như giống lúa Jasmine 85 của Việt Nam đã từng xuất khẩu sang Mỹ với giá cao nhưng do không đăng ký bản quyền nên đã bị một số nước lấy mất giống để sử dụng thành thương hiệu của họ. Một số giống lúa thơm của ta cũng đã bị nước láng giềng lấy, đăng ký bản quyền, xuất khẩu đi khắp nơi.
Hay mới đây là giống thanh long, từ chỗ chỉ có thanh long ruột trắng, Việt Nam đã nghiên cứu phát triển thêm thanh long ruột đỏ. Nhưng chỉ vì không chú trọng đúng mức đến việc đăng ký bản quyền, quốc gia khác đã lấy một số gen trong giống thanh long của Việt Nam, lai tạo để cho ra một giống thanh long mới ưu việt hơn.
Giáo sư - Viện sĩ Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam |
"Hiện nay, một số nước có công nghệ tiên tiến đã cố tình lấy các giống bản địa về, sau đó cải tiến đi một chút để sử dụng thương mại. Tôi cho rằng, đây mới là sự đánh cắp tinh vi nhất", GS-VS Trần Đình Long cho hay.
Theo GS-VS Trần Đình Long, Việt Nam có nhiều giống cây quý hiếm, có một không hai, việc bảo hộ bản quyền giống bản địa cũng như phát triển giống theo phương thức nông nghiệp hữu cơ để duy trì tính chất gốc rất quan trọng.
"Bên cạnh đó, cần thúc đẩy xây dựng một ngân hàng gen quốc gia, giúp doanh nghiệp cũng như người làm nông nghiệp dễ tiếp cận, vì hiện nay ngân hàng gen các giống cây trồng của Việt Nam vẫn rất nghèo nàn", GS-VS Trần Đình Long nhấn mạnh.
Hiện Việt Nam có khoảng 35.000 mẫu giống được lưu giữ tại hệ thống bảo tồn cây trồng quốc gia do Trung tâm Tài nguyên thực vật làm đầu mối. Các giống thuộc nhóm nguồn gen: Cây ngũ cốc, cây đậu đỗ, cây rau và gia vị, cây có củ, cây ăn quả và cây công nghiệp, cây thức ăn chăn nuôi và cây cải tạo đất, cây hoa, nấm ăn và nấm dược liệu./.