Nông nghiệp hữu cơ: Xu thế tất yếu
Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình |
Những cánh đồng lúa nếp thầu dầu sắp được thu hoạch được sản xuất theo hướng hữu cơ, năng suất dự ước tương đương so với hình thức sản xuất thông thường... nhưng sản phẩm của mô hình đã được đặt hàng bao tiêu hết với giá thành cao hơn 20% so với giá bình quân thị trường…
Bà Hoàng Thị Đương, xóm Tân Lập, xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình cho hay: "Tình hình sâu bệnh ít hơn, lúc trước phun thuốc 3 lần, bây giờ chỉ phun thuốc 1 lần. Chương trình này đưa về người dân thấy cánh đồng lúa rất đẹp, cây lúa khỏe, sản lượng tốt".
Ông Dương Văn Hiên, Phó Chủ tịch UBND xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình cho biết thêm: "Đối với địa phương và các ngành, đoàn thể đã tuyên truyền, vận động nhân dân thấy được hiệu quả, do vậy nhân dân rất hưởng ứng để thực hiện mô hình này".
Để đảm bảo tiêu chuẩn an toàn hướng tới hữu cơ trước hết là phải giảm tối đa, tiến tới không sử dụng hoàn toàn chất kích thích tăng trưởng, thuốc trừ sâu và hóa chất trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, lựa chọn được sản phẩm phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán canh tác đồng thời có giá trị cao đang là cách làm được người làm nông nghiệp Thái Nguyên hướng tới.
Ông Ma Khánh Cân, làng Lập, xã Bình Thành, huyện Định Hóa: "Đúng 1 tháng con gà giống to đạt 8 lạng đến 1kg; người dân nuôi những con giống này đều rất thích, gà giống khỏe, đẹp".
Ông Cam Văn Giáp, Kỹ thuật viên Trung tâm Khuyến nông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Khi nuôi thành công gà sinh sản này sẽ đẻ ra giống gà lai nuôi thịt theo hướng bán chăn thả. Trong quá trình nuôi tốc độ tăng trọng sẽ cao".
Tỉnh Thái Nguyên đang tập trung chỉ đạo triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất chè hữu cơ trên địa bàn tỉnh |
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi thời gian, lộ trình lâu dài, nhất là để thay đổi thói quen, tư duy canh tác… Từ công tác tuyên tuyền, đến nay, đã có nhiều hộ sản xuất, mô hình, đơn vị bắt đầu triển khai thực hiện. Trong đó, nhiều nhất là trên sản phẩm chè, tới nay, diện tích được cấp chứng nhận VietGAP toàn tỉnh đạt trên 2.400ha, diện tích áp dụng sản xuất hữu cơ là 110ha.
Trao đổi về nội dung này, ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên thông tin: "Tỉnh Thái Nguyên đang tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình, triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất chè hữu cơ trên địa bàn tỉnh; đồng thời, có những cơ chế, chính sách để hỗ trợ sản xuất chè hữu cơ gắn với tập trung rà soát, đánh giá, xác định vùng trồng làm cơ sở cho việc làm rõ xuất xứ hàng hóa với tiêu chuẩn quy định".
Với diện tích sản xuất không quá lớn, địa hình đa dạng, sản xuất nông nghiệp chú trọng gia tăng giá trị, an toàn bền vững, đang là định hướng Ngành Nông nghiệp Thái Nguyên hướng tới. Trong đó, sản xuất hữu cơ là xu thế tất yếu…/.