Nỗ lực đổi mới giáo dục
Một giờ học theo chương trình đổi mới giáo dục ở Trường tiểu học Thần Sa, huyện Võ Nhai.

Làm thế nào triển khai chương trình mới với những yêu cầu mới trong bối cảnh địa phương vẫn còn nhiều lớp ghép, nhiều trình độ, đó là trăn trở của giáo viên tại 1 số xã vùng sâu, vùng xa của huyện Võ Nhai khi tiếp cận với sách mới. Còn giờ đây, mối lo ấy đã được tháo gỡ. Cô trò lớp 1 năm nay đã không còn phải dạy và học trong các phòng học ghép lớp. Phòng học mới với đầy đủ các điều kiện học tập để phục vụ cho chương trình mới.

Bà Trần Thị Sinh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thần Sa, huyện Võ Nhai cho biết: “Ở điểm trường chính, chúng tôi đã lắp ti vi, lắp máy chiếu để cho cô giáo chủ nhiệm giảng dạy trực tuyến trên các phần mềm cũng như là các thiết bị. Khi sử dụng các thiết bị dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 này thì các em tiếp thu bài nhanh hơn”.

Dồn sức cho đổi mới giáo dục, mỗi nhà trường đều nỗ lực trong mọi điều kiện có thể, không chỉ cơ sở vật chất mà đội ngũ cũng được chuẩn bị chu đáo.

Cô giáo Nguyễn Thị Ngà, Trường Tiểu học Đồng Doãn Khuê, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ thì cho biết: “Để thực hiện chương trình mới này, thì bản thân mỗi giáo viên chúng tôi phải thay đổi rất nhiều. Ví dụ như về giáo án, chúng tôi cũng không thể thực hiện giáo án như chương trình cũ được nữa mà chúng tôi phải tự viết giáo án, lên mạng để cập nhật nắm bắt kịp thời hơn nội dung chương trình của môn học”.

Nỗ lực đổi mới giáo dục
Ngành giáo dục và đào tạo Thái Nguyên đã chuẩn bị ngân sách trên 3000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025 để trang bị thiết bị cho mỗi trường học.

Sẵn sàng việc triển khai chương trình mới ở các khối lớp tiếp theo, ngành giáo dục và đào tạo Thái Nguyên cũng đã chuẩn bị ngân sách trên 3000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025 để trang bị thiết bị cho mỗi trường học. Làm sao cho mỗi lớp phải có một phòng đảm bảo dạy 2 buổi/ngày theo chương trình mới.

Ông Nguyễn Phúc Vĩnh, Phó trưởng phòng Giáo dục huyện Định Hóa khẳng định: “Với quan điểm cái gì tốt nhất thì dành cho chương trình lớp 1 mới, trong đó thì quan tâm đến việc tập huấn giáo viên cốt cán, giáo viên đại trà, chuẩn bị các điều kiện cho chương trình thay sách lớp 2 và lớp 6 vào năm 2022”.

Cô giáo Lý Thị Hiên, Trường THCS Tân Thịnh, huyện Định Hóa chia sẻ suy nghĩ: “Các giáo viên như chúng tôi đang rất hào hứng đón chờ bộ sách giáo khoa mới bộ sắp ban hành, và cũng đã sẵn sàng để mà tham gia lớp tập huấn để thực hiện nhiệm vụ chung đối với Bộ Giáo dục trong đổi mới chương trình”.

Chuẩn bị cho các trường học hôm nay chính là chuẩn bị cho tương lai địa phương mai sau. Thái Nguyên dang nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục, coi đó là chìa khóa để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng./.