Những nông dân Mỹ không rời bỏ Trump dù thấm đòn của Trung Quốc
Mark Klinger, nông dân ở Pecatonica, bang Illinois, Mỹ, đang nói về gói viện trợ nông nghiệp của Tổng thống Trump hồi tháng 7 năm ngoái. Ảnh: Reuters.
Nông dân Mỹ là một trong những bên chịu tổn thất nặng nề nhất từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, khi hai bên tuần qua đều tung ra những đòn đánh quyết liệt nhắm vào nhau. Sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh đáp trả bằng cách ngừng mua nông sản Mỹ, động thái có thể tàn phá nặng nề ngành nông nghiệp nước này.
Dù vậy, rất nhiều nông dân Mỹ vẫn sát cánh bên cạnh Trump, không chỉ với tư cách Tổng thống, người mà họ đã lựa chọn trong cuộc bầu cử năm 2016, mà còn với tư cách một chiến binh trên mặt trận thương mại, người đã đưa ngành nông nghiệp vào tầm ngắm của Trung Quốc. Dù không phải nhóm ủng hộ lớn nhất của Trump, nông dân Mỹ có thể chứng minh họ là một khối cử tri quan trọng trong cuộc bầu cử năm 2020.
Theo khảo sát mới nhất của Trung tâm Purdue về Nông nghiệp Thương mại, 78% nông dân Mỹ cho biết họ tin cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc cuối cùng cũng vẫn sẽ mang lại lợi ích cho ngành nông nghiệp Mỹ. Tỷ lệ trên gần tương đương với mức ủng hộ 79% dành cho Tổng thống Trump trong nhóm nông dân Mỹ.
Song dữ liệu này được thu thập trước thời điểm Trump thông báo sẽ tung đòn áp thuế mới với Trung Quốc bắt đầu từ 1/9, bên cạnh mức thuế 25% đối với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc đã công bố trước đây.
Trump đưa ra cảnh báo không lâu sau khi Mỹ và Trung Quốc nối lại các cuộc đàm phán thương mại ở Thượng Hải. Ông cáo buộc Trung Quốc không giữ lời hứa mua một lượng lớn nông sản Mỹ và ngừng bán fentanyl, chất gây nghiện có trong các loại thuốc giảm đau trên thị trường Mỹ.
Quyết định ngừng mua nông sản được Bắc Kinh thông báo hôm 5/8 sẽ khiến Washington chịu thiệt hại rất lớn, bởi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông nghiệp lớn thứ 5 của Mỹ, bên nhập khẩu 9,8 tỷ USD hàng hóa nông nghiệp Mỹ trong năm 2018. Bộ Tài chính Mỹ cùng ngày liệt Trung Quốc vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ.
Bang Iowa năm 2017 xuất khẩu 2,1 tỷ USD hàng hóa sang Trung Quốc. Nate Hofmann, nông dân ở hạt Linn thuộc bang này, chuyên sản xuất đậu nành và ngô để bán cho công ty ADM và Cargill tại thành phố Cedar Rapids. Đây là hai loại nông sản xuất khẩu chính từ Mỹ sang Trung Quốc.
Hofmann cho hay ông không chắc liệu biện pháp áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc có phải cách tốt nhất để đàm phán chiến tranh thương mại hay không, nhưng ông cảm thấy ổn với việc "đàm phán lại mọi thứ".
"Một số hiệp định thương mại đã được xem xét suốt thời gian dài và nếu quốc gia được hưởng lợi, ngành nông nghiệp cũng được hưởng lợi và ngược lại", ông nói. "Tôi không nghĩ chính sách đánh thuế là cách làm sai nhưng có thể nó không phải cách làm tốt nhất".
"Tôi chỉ mong muốn sự ổn định lâu dài và quan hệ giữa đôi bên phát triển đến ngưỡng mà các hàng rào thuế quan không còn cần thiết nữa và chúng ta có thể tạo ra những thỏa thuận thương mại tốt với những đối tác giao dịch nông sản", ông cho hay.
Hoffmann chia sẻ việc Trung Quốc ngừng mua nông sản Mỹ là điều đáng lo ngại, nhưng đó chỉ là một phần chiến lược của Bắc Kinh trong chiến tranh thương mại. Ông khẳng định bản thân vẫn rất lạc quan trước tương lai ngành nông nghiệp và đã mua bảo hiểm cho mùa màng trước những thiệt hại tiềm tàng.
Sau khi Trung Quốc thông báo ngừng mua nông sản Mỹ, nông dân ở bang Oregon bắt đầu ráo riết tìm hiểu chuyện gì sẽ xảy ra với vụ mùa của họ. Theo Sở Nông nghiệp Oregon, thị trường Trung Quốc chiếm một phần đáng kể trong xuất khẩu nông sản của bang này. Năm 2017, giá trị xuất khẩu nông nghiệp từ Oregon sang Trung Quốc đạt 290 triệu USD.
"Khi 290 triệu USD hàng hóa đi vào một quốc gia có nguy cơ bị đánh thuế, chúng tôi biết chắc chắn mình sẽ bị ảnh hưởng. Chúng tôi chỉ không biết ảnh hưởng nghiêm trọng tới mức nào và các nhà sản xuất sẽ phải làm gì", lãnh đạo Sở Nông nghiệp Oregon Gail Greenman cho hay.
Các mặt hàng chủ đạo mà Oregon sản xuất như lúa mỳ có thể bị ảnh hưởng nếu mất đi thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, nông dân Nick Bowers, người sinh ra trong gia đình có 4 đời làm nghề nông, khẳng định bất chấp những mối lo ngại, ông vẫn tin tưởng vào triển vọng kinh tế cho mùa màng của mình.
"Với việc Tổng thống Trump đang chống trả từng chút một, tôi tin người Trung Quốc nhiều khả năng sẽ giảm bớt vài hạn chế đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ", ông nói.
Dave Kestel, nông dân trồng đậu nành và ngô tại hạt Will, bang Illinois. Ảnh: AFP.
Nhưng không phải nông dân Mỹ nào cũng có tâm lý lạc quan như vậy. Không ít người tỏ ra thất vọng và sợ hãi. Họ cho rằng việc Trung Quốc ngừng mua nông sản Mỹ là "kịch bản tồi tệ nhất" đối với nông dân.
Tổng thống Trump từng ngụ ý ông chuẩn bị cung cấp thêm viện trợ cho những nông dân chịu thiệt hại vì cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Nhưng giới chuyên gia lo ngại ngành nông nghiệp Mỹ có thể đánh mất thị phần trong dài hạn khi những quốc gia khác tranh giành nhau đơn đặt hàng từ Trung Quốc.
Zippy Duvall, chủ tịch Liên đoàn Nông nghiệp Mỹ, tổ chức nông nghiệp có ảnh hưởng lớn nhất nước, cho biết nông dân Mỹ "biết ơn" vì những khoản trợ cấp của chính quyền Trump từ trước tới nay, nhưng cho rằng các khoản ưu đãi này "không thể kéo dài mãi mãi".
Theo ông, việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu nông sản Mỹ là "cú đánh trời giáng nhắm vào hàng nghìn nông dân và người chăn nuôi vốn đang phải chật vật để tồn tại".
Roger Johnson, chủ tịch Hiệp hội Nông dân Quốc gia Mỹ, đánh giá "chiến lược đối đầu và liên tục leo thang căng thẳng" của Tổng thống Trump "chỉ khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn". "Nông dân và người chăn nuôi Mỹ không thể chịu đựng áp lực như thế này thêm nữa", ông nhấn mạnh.