Nhiều mô hình khởi nghiệp hiệu quả của phụ nữ
Trang trại gà của gia đình chị Nguyễn Thị Hoài (thứ 2 từ phải sang) có quy mô 8.000 con

Sau nhiều năm đi làm thuê ở những trang trại gà lớn ở địa phương khác năm 2019, khi đã tích lũy đủ kiến thức, kinh nghiệm và tìm được nguồn cung ứng giống và đầu ra, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoài ở xóm Đầm Thị, xã Bình Thành đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trên 600 triệu đồng để nuôi 3.000 con gà trắng công nghiệp. 45 ngày nuôi gà được đơn vị cấp giống thu mua sau khi đã thực hiện kiểm nghiệm, test máu đạt yêu cầu theo quy định. Với nguồn đầu ra ổn định, nên gia đình chị đã mở rộng trang trại với quy mô trung bình 8.000 con gà, bình quân mỗi lứa xuất bán khoảng 24 tấn gà.

Chị Hoài chia sẻ: “Xuất phát ban đầu khó khăn, vì không có vốn, được hỗ trợ từ Nhà nước, Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên gia đình có thêm nguồn vốn để xây dựng được chuồng trại như hiện nay.”

Nhận xét về chị Hoài, chị La Thị Tiên, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bình Thành cho biết: “Gia đình chị Hoài trước là hộ nghèo, vươn lên cận nghèo và hiện tại đã thoát nghèo, có mô hình kinh tế ổn định, đặc biệt đã nhân rộng ra được 2, 3 mô hình nữa về chăn nuôi vịt, gà đẻ trứng, mang lại hiệu quả rõ rệt.”

Nhiều mô hình khởi nghiệp hiệu quả của phụ nữ
Chị Lường Thị Thu Lịch (áo kẻ) thăm mô hình trồng lúa an toàn hướng hữu cơ

Là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phượng Tiến, vốn đam mê với cây lúa, với ruộng đồng nên chị Lường Thị Thu Lịch ở xã Phượng Tiến lại có ý tưởng khởi nghiệp từ chính đồng lúa của mình. Thay vì canh tác lúa theo kiểu truyền thống, chị đã có ý tưởng sáng tạo “Trồng lúa an toàn theo hướng hữu cơ”. Ý tưởng khởi nghiệp phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường của chị Lịch và đồng tác giả Nguyễn Thị Hoa đã đạt giải Khuyến khích trong cuộc thi “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” năm 2020 do Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên tổ chức. Ngay trong vụ Chiêm xuân 2020, chị đã hiện thực hóa ý tưởng của mình với 4,8 ha lúa bao thai và nếp cái hoa vàng tại xóm Lợi A và xóm Lợi B, xã Phượng Tiến cùng với sự tham gia của 30 hội viên phụ nữ.

Chị Lịch chia sẻ: “Ý tưởng này xuất phát từ việc hỗ trợ phát triển kinh tế cho hội viên và bảo vệ môi trường. Đặc biệt ở địa phương có nguồn phân chuồng và phân xanh nhiều. Tôi rất mong muốn mô hình này thành công và nhân rộng ra trên toàn xã.”

Có thể khẳng định, thông qua hoạt động vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, nhiều hội viên phụ nữ đã vượt khó vươn lên, tự tin, mạnh dạn phát triển kinh tế, kinh doanh, khởi nghiệp, làm giàu cho gia đình và xã hội. Trên địa bàn huyện đã xuất hiện hàng trăm mô hình kinh tế do phụ nữ tham gia khởi nghiệp đã đạt được hiệu và có nhiều triển vọng. Qua đó chị em đã thay đổi tư duy, tự tin hơn, mạnh dạn hơn, dám nghĩ, dám làm để vươn lên thoát nghèo, làm giàu, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chị Lương Thị Ngâm, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Định Hóa cho biết: “Thực hiện hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Hội đã chỉ đạo các cơ sở Hội vận động hội viên phụ nữ mạnh dạn trong phát triển kinh tế để tăng thu nhập cho gia đình. Đến nay đã có nhiều chị em mạnh dạn cùng các thành viên gia đình đầu tư, phát triển kinh tế. Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới sẽ còn có nhiều mô hình phụ nữ khởi nghiệp để giúp chị em phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống.”

Thời gian tới, các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn huyện Định Hóa tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ nữ về khởi nghiệp. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động nhằm huy động nội lực của các tầng lớp phụ nữ giúp nhau khởi nghiệp. Đồng thời, thực hiện tốt các hoạt động kết nối, tiếp cận, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay, nguồn Quỹ hỗ trợ giúp đỡ phụ nữ. Điều đặc biệt quan trọng nữa đó là, mỗi chị em phụ nữ cần chủ động tích cực học hỏi, mạnh dạn để có thể tự mình thay đổi cuộc sống, trở thành tấm gương phụ nữ “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.