Nhân dân đồng tình, phấn khởi trước những quyết sách của Kỳ họp thứ Mười một - HĐND tỉnh khoá XIV
Toàn cảnh Kỳ họp

Theo đó, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết này là gần 188 tỷ đồng, để hỗ trợ các cơ sở giáo dục thực hiện hoàn trả cho học sinh phần chênh lệch học phí đã thu vào đầu năm học 2022-2023 so với mức thu học phí năm học 2021-2022. Với việc Nghị quyết được thông qua, Thái Nguyên sẽ trở thành một trong số những địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết triển khai thực hiện Nghị quyết số 165 ngày 20/12/2022 của Chính phủ, góp phần giảm bớt khó khăn. Đáp ứng mong mỏi, nguyện vọng của cư tri trong toàn tỉnh về vấn đề thu học phí.

Chị Nguyễn Thị Lệ Hằng, phường Nam Tiến, TP Phổ Yên chia sẻ: "Chúng tôi rất vui mừng với việc điều chỉnh này, phụ huynh học sinh cũng bớt khó khăn trong việc đóng học phí cho con em mình."

Vui mừng, phấn khởi nhưng các cử tri và nhân dân cũng kỳ vọng về lộ trình thực hiện các nội dung của Nghị quyết sau khi được HĐND tỉnh thông qua.

Anh Đỗ Văn Hải, xã Động Đạt, huyện Phú Lương cho biết: "Bản thân tôi cũng rất phấn khởi trước những quyết đáp của HĐND tỉnh và tôi cũng mong Nghị quyết này sớm được triển khai."

Thầy giáo Nguyễn Tiến Thắng, Hiệu trưởng Trường THCS Động Đạt I, huyện Phú Lương cho biết: "Chúng tôi cũng mong muốn Nghị quyết này sẽ tiếp tục được kéo dài cho những năm học tiếp theo."

Cô giáo Hứa Thị Thắng, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Tự Minh, TP Thái Nguyên nói: "Chúng tôi đã lập dự toán chênh lệch mức tăng học phí mà đã thu của học sinh từ đầu năm học và đã báo cáo Sở GD&ĐT theo quy định."

Một nội dung khác cũng được cử tri và nhân dân quan tâm tại Kỳ họp lần này đó là HĐND tỉnh tán thành và thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh về công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường giai đoạn 2017 - 2022 trên địa bàn. Cử tri cho rằng, Nghị quyết đã đáp ứng đúng và trúng sự mong mỏi, kỳ vọng của người dân về những băn khoăn, lo lắng trước vấn đề bảo vệ môi trường trong điều kiện phát triển như hiện nay.

Ông Trần Văn Hiền, tổ 8, phường Hương Sơn, thành phố Thái Nguyên cho biết: "Người dân hiện đang rất quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường đặc biệt là vấn đề ô nhiễm rác thải sinh hoạt, chất thải của các nhà máy công nghiệp và việc HĐND thành lập đoàn giám sát về môi trường thì mọi người dân đều rất hưởng ứng quyết định này."

Chị Hoàng Minh Huế, tổ 7, phường Quang Trung, TP Thái Nguyên cho biết: "Để giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp là một vấn đề cấp thiết, đòi hỏi các cấp quản lý, chính quyền tăng cường giám sát đối với việc bảo vệ môi trường."

Cũng tại Kỳ họp lần này, HĐND tỉnh đã xem xét và thông qua Nghị quyết về Đề án đề nghị công nhận thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên là đô thị loại II. Nghị quyết đã đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Sông Công sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, tạo không khí phấn khởi, vui tươi và tự hào trong nhân dân.

Ông Lê Anh Sức, tổ dân phố Hợp Thành, phường Thắng Lợi, TP Sông Công chia sẻ: "Mong mỏi của người dân thành phố Công Sông đã thành hiện thực. Có được kết quả đó là nhờ cả hệ thống chính trị cũng như người dân đã chung sức xây dựng TP Sông Công trở thành đô thị loại II."

Bộ mặt đô thị của Sông Công đang đổi thay từng ngày, sức mạnh nội lực được củng cố và tăng cường, tạo những bước phát triển vượt bậc cho TP. Được công nhận là đô thị loại II, Sông Công sẽ có nhiều thuận lợi để tiếp tục thu hút đầu tư phát triển theo hướng hiện đại và bền vững, xây dựng TP ngày càng văn minh, giàu đẹp…

Qua theo dõi cử tri đánh giá, Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV với nhiều quyết sách lớn được ban hành đã đáp ứng được kỳ vọng, mong mỏi cửa cử tri, tiếp tục củng cố niềm tin, sự gửi gắm của nhân dân đối với cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất ở địa phương./.