Thái Nguyên - điểm kết nối cung cầu khoa học công nghệ thứ 10 trên toàn quốc
Cung chưa gặp cầu - Điểm nghẽn phát triển thị trường Khoa học công nghệ
Viện nghiên cứu, phát triển công nghệ cao về kỹ thuật công nghiệp là đơn vị trực thuộc trường đại học Kỹ thuật công nghiệp, ĐH Thái Nguyên. Ngoài thực hiện các đề tài, dự án của Bộ KHCN, ĐH Thái Nguyên và trường, đơn vị chủ yếu là thực hiện nghiên cứu, chuyển giao công nghệ theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. 44 hợp đồng chuyển giao cho doanh nghiệp từ năm 2014 đến nay, lãnh đạo đơn vị cho biết đây là con số còn quá ít so với thực tế tiềm năng của đơn vị.
PGS.TS Nguyễn Văn Chí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu, phát triển Công nghệ cao về Kỹ thuật công nghiệp cho biết: "Nguồn đặt hàng về các vấn đề nghiên cứu rất dồi dào, phong phú, tuy nhiên hiện nay chúng tôi chủ yếu kết nối với các doanh nghiệp qua thông tin từ người quen, mối quan hệ cá nhân, chứ chưa có 1 kênh thông tin chính thống, mang tính 2 chiều”.
Trong khi các đơn vị nghiên cứu thì gặp khó do không tìm được đầu ra cho sản phẩm, thì nhu cầu về KHCN của các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh ngay trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất lớn. Thái Nguyên hiện có trên 500 HTX, trong đó chiếm đa số là các HTX sản xuất nông nghiệp. Xu hướng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ cùng với yêu cầu tăng năng suất, chất lượng sản xuất đang đặt ra những đòi hỏi cao hơn về cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ vào sản xuất. Tuy vậy, cái khó vẫn là cung chưa gặp cầu.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên: "Hầu hết các HTX đều có nhu cầu về KHCN, để giảm sức lao động và tăng giá trị sản phẩm. Các HTX không biết tiếp cận và tìm kiếm nguồn cung cấp công nghệ ở đâu, không biết có cái gì? Có phù hợp với mình hay không”.
Nguyên hiện có trên 500 HTX, trong đó chiếm đa số là các HTX sản xuất nông nghiệp |
Đơn vị nghiên cứu thì không tìm được đầu ra cho sản phẩm nghiên cứu trong khi doanh nghiệp thì vẫn gặp khó trong việc tiếp cận và áp dụng KHCN vào sản xuất. Hoạt động kết nối giữa cung và cầu chưa hiệu quả không chỉ cản trở sự phát triển của thị trường KHCN mà còn khiến hoạt động nghiên cứu thiếu đi tính ứng dụng, tính thực tiễn. Đây cũng là một trong những vấn đề được đặt ra tại hội thảo với chủ đề “Nhu cầu, cơ hội và thách thức kết nối chuyển giao công nghệ khu vực miền núi phía Bắc” do Bộ KH và CN tổ chức tại Thái Nguyên.
Bà Phạm Thị Lý, Chủ tịch Liên hiệp các HTX nông nghiệp hữu cơ và dịch vụ Việt Nam nhìn nhận: “Suốt một thời gian dài các nhà nghiên cứu thì cứ mải mê nghiên cứu, còn doanh nghiệp sản xuất thì thụ động chờ sự tiếp thị của các bên cung cấp giải pháp... Việc chúng ta tạo ra điểm cầu kết nối như thế này chính là sự đổi mới chắc chắn sẽ tháo được nút thắt đưa KHCN vào thực tiễn… Là dịp các nhà nghiên cứu cũng lắng nghe nhu cầu thực tế mà các doanh nghiệp đang cần để định hướng cho nghiên cứu của mình”.
PGS.TS Nguyễn Văn Chí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu, phát triển Công nghệ cao về Kỹ thuật công nghiệp: “Không ít công trình nghiên cứu được thực hiện theo mong muốn, sở trường của các nhà nghiên cứu mà chưa có đánh giá về nhu cầu thực tiễn... Hiện tại đã có sự chuyển biến rất rõ, các nhà nghiên cứu đã chủ động tiếp cận theo đặt hàng của các doanh nghiệp”.
Khai thông điểm nghẽn về phát triển thị trường Khoa học công nghệ thông qua các hoạt động kết nối giữa bên nghiên cứu và bên có nhu cầu. 10 điểm kết nối cung cầu KHCN được đặt tại 10 địa phương trên cả nước chính là nỗ lực và những bước đi thiết thực của Bộ Khoa học và Công nghệ. Và Thái Nguyên, nơi trường ĐH vùng với tiềm năng và thế mạnh về nghiên cứu và phát triển KHCN đã được lựa chọn để trở thành điểm kết nối cung cầu KHCN đầu tiên của Khu vực Trung du miền núi phía Bắc và là điểm thứ 10 trên toàn quốc.
Điểm kết nối cung cầu - Giải pháp phát triển KHCN tại địa phương
Điểm kết nối cung cầu KHCN thứ 10 tại khu vực Trung du miền núi phía Bắc được đặt tại Thái Nguyên sẽ là nơi tạo ra tính lan tỏa, tác động và kết nối kịp thời giữa trường đại học, cơ quan nghiên cứu với doanh nghiệp, tổ chức KHCN; là nơi để tổ chức các hoạt động tư vấn, đánh giá, lựa chọn, liên kết, hợp tác ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ nhằm đẩy nhanh việc ứng dụng kết quả nghiên cứu, các công nghệ mới vào thực tiễn sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao và bền vững cho tỉnh Thái Nguyên nói riêng, khu vực Trung du miền núi phía bắc và cả nước nói chung.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Fitohoocmon “Điểm kết nối sẽ giúp chúng tôi rút ngắn được thời gian tìm kiếm đối tác, tạo cơ hội để chúng tôi giới thiệu công nghệ…”
Bà Phạm Thị Lý, Chủ tịch Liên hiệp các HTX nông nghiệp hữu cơ và dịch vụ Việt Nam:“Chúng tôi được biết Đại học Thái Nguyên có các công nghệ về nuôi cấy mô, về gen về giống trong lĩnh vực nông nghiệp. Chúng tôi kỳ vọng sẽ kết nối được với các nhà khoa học của Đại học Nông lâm Thái Nguyên giúp chúng tôi giải được bài toán mà chúng tôi mong muốn”
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết:"Quan trọng nhất là hoạt động của điểm kết nối cung cầu này như thế nào. Điều này phụ thuộc vào những người phụ trách, phải xây dựng kho dữ liệu… tạo kết nối hiệu quả giữa các bên, kết nối với 9 điểm cung cầu khác và kết nối với Bộ KHCN.”
Điểm kết nối cung cầu KHCN thứ 10 tại khu vực Trung du miền núi phía Bắc được đặt tại Thái Nguyên |
Thời gian qua, để thúc đẩy thị trường Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nỗ lực và hoàn thiện cơ bản môi trường pháp lý, đẩy mạnh việc xây dựng các định chế trung gian. Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chính sách như: Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Công nghệ cao. Bên cạnh đó, hiệu quả hoạt động của 9 điểm kết nối cung cầu công nghệ đã cho thấy hiệu quả của các điểm kết nối trong việc góp phần thúc đẩy phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ tại các địa phương. Hi vọng với việc ra đời điểm kết nối thứ 10 tại Thái Nguyên, cũng là điểm kết nối cung cầu KHCN đầu tiên tại khu vực Trung du miền núi phía Bắc sẽ mở ra nhiều cơ hội để chúng ta phát huy thế mạnh về nghiên cứu khoa học, tạo cơ hội cho việc đưa KHCN vào thực tiễn, góp phần phát triển bền vững KT-XH ở Thái Nguyên cũng như khu vực.