Chuyển đổi số trong các trường Đại học ở Thái Nguyên (Cam 17/12)
Các trường trực thuộc Đại học Thái Nguyên đang tích cực thực hiện chuyển đổi số

Thực tế, số hóa tạo ra các công việc mới như tạo ra các nhà phân tích dữ liệu, các nhà tiếp thị phương tiện truyền thông xã hội hoặc thiết kế ứng dụng vạn vật kết nối dựa trên nền tảng Internet... Đây là những ngành nghề khá mới mẻ đối với một số trường đại học, đòi hỏi phải có sự thay đổi để thích ứng với nhu cầu của xã hội.

GS.TS. Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho biết: “Vấn đề chuyển đổi số đã trở thành một xu hướng lan tỏa tới tất cả các lĩnh vực, đây sẽ là trọng số để tăng trưởng kinh tế. Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo thì việc chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay là ứng dụng mạnh công nghệ thông tin trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đó cũng là một xu thế tất yếu.”

Chuyển đổi số trong các trường Đại học ở Thái Nguyên (Cam 17/12)
Các trường Đại học hiện đã số hóa khoảng 90% giáo trình giảng dạy

Cho đến nay, các trường Đại học thành viên của Đại học Thái Nguyên đã số hóa khoảng 90% giáo trình giảng dạy, 100% các luận văn, luận án, 40% tài liệu tham khảo; toàn đại học cũng đã xây dựng được hơn 110 bài giảng điện tử. Nhiều hình thức học tập hiện đại như học trực tuyến, từ xa... đang được nhiều trường áp dụng, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn có những diễn biến phức tạp.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên cho biết: “Chúng tôi đang chỉ đạo việc số hóa các học liệu để tạo điều kiện cho người học tiếp cận với thông tin mọi lúc, mọi nơi dễ dàng.”

Chuyển đổi số trong các trường Đại học ở Thái Nguyên (Cam 17/12)
Sinh viên tìm tài liệu tại Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin - Đại học Thái Nguyên

Với 120.000 tài liệu, trong đó 60% đã được số hóa, Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin - Đại học Thái Nguyên cũng đã trở thành đơn vị dẫn đầu trong hệ thống thư viện Đại học Việt Nam trong công tác số hóa và chuyển đổi số. Nhờ hệ thống cơ sở dữ liệu số lớn, đa dạng nên sau 13 năm thành lập Trung tâm đã phục vụ gần 14 triệu lượt truy cập, sử dụng tài liệu từ xa.

GS.TS Nguyễn Duy Hoan, Giám đốc Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin, Đại học Thái Nguyên cho biết: “Việc sản xuất bài giảng Elearning rất quan trọng, có ý nghĩa lớn đặc biệt trong thời điểm xảy ra dịch COVID-19. Phần lớn các trường trực thuộc Đại học Thái Nguyên đã tổ chức đào tạo Elearning thông qua hệ thống phần mềm Elearning hiện do Trung tâm đang quản lý.”

Chia sẻ về việc học tập qua các tài liệu số, sinh viên Nguyễn Thị Uyên , Trường Ngoại Ngữ, Đại học Thái Nguyên cho biết: “Qua quá trình tham gia các tài liệu số đã giúp chúng em có điều kiện phát triển về bản thân, không chỉ ở trên lớp mà cả ở bên ngoài xã hội.”

Cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số trong các trường Đại học tại Thái Nguyên càng trở nên rộng mở khi Thái Nguyên đang nỗ lực trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực Trung du miền núi phía Bắc. Bên cạnh đó, giữa tỉnh Thái Nguyên và Đại học Thái Nguyên cũng có rất nhiều chương trình hợp tác về nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ, trong đó, chuyển đổi số sẽ là một nhiệm vụ được ưu tiên trong thời gian tới./.