Trước sự phát triển của công nghệ dệt chiếu hiện đại với nhiều chất liệu khác nhau, nghề đan chiếu pran có nguy cơ thất truyền. Những năm qua, Hội phụ nữ xã Ia Dơk, huyện biên giới Đức Cơ, tỉnh Gia Lai đã phối hợp với các nghệ nhân người Jarai truyền dạy, phát triển nghề đan chiếu pran độc đáo này.

Chiếu Pran được làm từ lá cây pran (cây dứa dại). Vào mỗi mùa khô, đàn ông trong làng Sung Lớn chặt lá dứa ở ven suối, quanh các giọt nước mang về phơi khô dưới nắng để giữ màu sáng cho lá. Vào mùa mưa, lúc nông nhàn, phụ nữ trong làng lấy lá ra đan chiếu. Vì làm từ vật liệu thiên nhiên, nên chiếu pran ấm vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Người Jrai coi chiếc chiếu pran như một vật dụng quý giá trong nhà, chỉ được sử dụng khi tiếp khách hoặc những dịp quan trọng như ma chay, cưới hỏi.

nguoi jarai giu nghe dan chieu pran o gia lai
Nghệ nhân làng Sung dạy phụ nữ trong làng đan chiếu.

Nghệ nhân Rơ mah H’Byu ở Làng Sung Lớn, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ tâm sự, hiện nay, nhiều gia đình trong làng sử dụng chiếu nhựa nên nghề đan chiếu pran đứng trước nguy cơ mai một.

"Mình học nghề đan chiếu này từ bà và mẹ. Học từ nhỏ rồi làm đến giờ, mình không bỏ được cái nghề này, vì nó là truyền thống của dân tộc. Giờ lớp trẻ ít người muốn học nghề này, mình lo nó sẽ bị mất đi, mình đang cố gắng giúp giữ lại nghề của dân tộc để nó ngày một phát triển", nghệ nhân H’Byu chia sẻ.

Quyết tâm không để nghề truyền thống của ông bà bị mai một, các nghệ nhân làng Sung Lớn, xã Ia Dơk đang tích cực truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ. Dù tuổi đã cao, sức khoẻ giảm sút, nhưng đã nhiều năm nay, nghệ nhân Rơ mah H’Byu, ở làng Sung Lớn, xã Ia Dơk vẫn miệt mài truyền dạy nghề đan chiết pran cho các thiếu nữ Jarai trong làng.

Nghệ nhân H’Byu bảo rằng, việc đan chiếu pran không chỉ làm ra vật dụng bình thường, mà còn là di sản văn hoá của người Jarai. Tay thoăn thoắt đan chiếu, nghệ nhân H’Byu dặn dò các thiếu nữ trong làng phải quan sát kỹ cách đan để học theo. "Nghề dệt chiếu là nghề mà ông bà ta ngày xưa để , không thể bỏ được. Các cháu học theo để gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc mình", nghệ nhân H’Byu dặn dò.

Với ý thức chung về việc gìn giữ nét văn hoá truyền thống đặc sắc của người Jarai, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ đã thành lập câu lạc bộ đan chiếu Pran với 20 thành viên. Cách đây 2 năm, hội liên hiệp phụ nữ xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ đã mạnh dạn mang sản phẩm chiếu pran tới triển lãm, trưng bày các sản phẩm sáng tạo của phụ nữ tỉnh Gia Lai.

Kể từ đó tới nay,chiếc chiếu pran đã bắt đầu đến với thị trường, với giá từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng/ 1 chiếc tuỳ vào kích thước. Điều quan trọng là các câu lạc bộ đã truyền được tình yêu văn hoá, niềm tự hào về nghề truyền thống của dân tộc Jarai đến với chị em phụ nữ.

Cảm nhận được giá trị đó, chị Rơmah Nga ở Làng Sung Nhỏ, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ đã nhanh tiếp thu nghề đan chiếu Pran.

nguoi jarai giu nghe dan chieu pran o gia lai
Nhiều bạn trẻ quay lại với nghề truyền thống.

Vài năm trở lại đây, nhờ câu lạc bộ đan chiếu pran, không riêng các chị em phụ nữ mà các cụ ông, trẻ nhỏ cũng hăng hái đan chiếu pran. Chiếc chiếu pran thân thuộc đã dần phổ biến trong sinh hoạt của các gia đình Jrai ở xã biên giới Ia Dơk, huyện Đức Cơ.

Bà Rơ Ô H’Rin, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đức Cơ, Gia Lai cho biết, Hội đang tích cực mang sản phẩm chiếu pran đến với thị trường, với mong muốn việc gìn giữ nghề đan chiếu pran truyền thống của người Jrai hiệu quả và bền vững hơn.

Chiếu pran là một sản phẩm mang giá trị văn hoá. Bởi nó không chỉ thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ và công phu của đồng bào Jarai, mà còn là sản phẩm văn hoá với những ý nghĩa tốt đẹp lâu đời của cư dân bản địa.Với việc thành lập các câu lạc bộ, tích cực truyền dạy nghề đan chiếu Pran, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp ở huyện biên giới Đức Cơ, Gia Lai và các nghệ nhân đang từng bước phục hồi nghề truyền thống đáng trân trọng này./.