Ngành dịch vụ logistic trước sức ép đại dịch
Dịch vụ logistics đang cần có có định hướng, quy hoạch dài hạn để phát triển

Đơn giản là 1 tấm pin nguyên liệu được nhập khẩu chuyên dùng trong sản xuất của Công ty TNHH Phát triển năng lượng Trina Solar. Nhưng do ảnh hưởng từ chuỗi vận chuyển logistic nên quá trình sản xuất của công ty đã có giai đoạn gặp phải khó khăn.

Ông Cheng Miao Xiao, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển năng lượng Trina Solar thông tin: “Chúng tôi đã gặp phải những khó khăn như: Chi phí lưu kho bãi, chi phí vận chuyển tăng cao do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ngoài ra việc gián đoạn nguồn cung nguyên liệu cũng khiến quá trình sản xuất của chúng tôi không thể thực hiện liên tục”.

Những năm gần đây, các doanh nghiệp đầu tư vào Thái Nguyên tăng mạnh, tập trung vào nhiều lĩnh vực: sản xuất, lắp ráp linh kiện, khai thác chế biến khoáng sản nên nhu cầu vận chuyển hàng hóa phát triển mạnh. Bên cạnh đó, Thái Nguyên là vùng trung tâm vùng miền núi trung du phía Bắc, có những tuyến đường huyết mạch chạy qua, có cảng đường thủy nội địa (Đa Phúc). Đây là một trong những điều kiện thuận để các doanh nghiệp đầu tư, phát triển dịch vụ logistics.

Song, tại Thái Nguyên, số lượng doanh nghiệp hoạt động chuyên sâu về dịch vụ logistics còn khá khiêm tốn. Cùng với đó, do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 nên ngành nghề đặc thù này cũng gặp phải nhiều khó khăn. Đơn cử như tại cụm cảng Đa Phúc chủ yếu phục vụ vận chuyển hàng hóa vận liệu xây dựng, khoáng sản và chưa được đầu tư nhiều về phương tiện bốc xếp, kho bãi lưu hàng hóa, cũng đã gặp không ít khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Thắng Á cho biết: “Thật sự tác động của đại dịch COVID-19 chúng tôi bị ảnh hưởng lớn. Phương tiện ra vào cầu cảng bị kiểm soát chặt. Phương tiện đường thủy đều không được lên bờ. Trong khi bị dịch bệnh mọi người đều ngại di chuyển, mọi thứ chậm chạp, công việc bị ảnh hưởng rất nhiều”.

Hiện nay, hoạt động dịch vụ logistics là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ngoài cơ sở hạ tầng, phương tiện đáp ứng được theo yêu cầu thì phải có đại lý hải quan (các nhân viên khai báo hải quan phải được Tổng cục Hải quan cấp chứng chỉ). Đây là những rào cản nhất định, ảnh hưởng đến việc phát triển hoạt động dịch vụ logistics, song trước những khó khăn do bên ngoài đem đến thì mỗi doanh nghiệp cũng cần có bài toán chiến lược để thích ứng với việc thay đổi, gián đoạn chuỗi cung ứng từ dịch vụ logistic.

Ông Đỗ Anh Tài, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên cho rằng: “Tôi cho rằng các doanh nghiệp cần làm tốt các khâu quản trị. Đặc biệt, là quản trị chuỗi cung ứng của mình. Phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng từ nguyên liệu đến đầu ra, đảm bảo chất lượng. Để đảm bảo chuỗi cung ứng thì doanh nghiệp phải đảm bảo tốt nguồn lao động có sự ổn định và lao động phải có chất lượng”.

Sau những ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng COVID-19 và xa hơn là trong tương lai, chuỗi cung ứng hàng hóa phải được tăng cường khả năng ứng phó với khủng hoảng để giảm thiểu tốt nhất những thiệt hại. Thái Nguyên có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện, nhu cầu vận chuyển hàng hóa mang tính chuyên nghiệp ngày càng tăng. Nhưng để dịch vụ logistics phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp thì cũng có định hướng, quy hoạch dài hạn trong phát triển lĩnh vực này.