Ngân hàng Thế giới công bố chỉ số nộp thuế của Việt Nam tăng 22 bậc
Khách hàng đến giao dịch tại Cục Thuế tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)
Tổng cục Thuế cho biết, theo Báo cáo môi trường kinh doanh - Doing business 2020 (DB 2020) toàn cầu vừa được Ngân hàng Thế giới công bố, chỉ số nộp thuế (Paying Taxes) đã tăng 22 bậc, đưa Việt Nam từ vị trí thứ 131 lên xếp thứ 109 trong tổng số 190 quốc gia được đánh giá.
Với việc chỉ số nộp thuế của Việt Nam tăng 22 bậc, ngành thuế đã vượt chỉ tiêu của Chính phủ đã đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Theo đó, mục tiêu chỉ số nộp thuế năm 2019 tăng lên 7-10 bậc, tiệm cận mục tiêu đến năm 2021 lên 30-40 bậc.
Đánh giá về chỉ số nộp thuế, Ngân hàng Thế giới đã căn cứ vào các tiêu chí như số giờ nộp thuế; số lần nộp thuế trong năm; tổng mức thuế suất trên lợi nhuận; chỉ số sau kê khai (hoàn thuế giá trị gia tăng, thanh/kiểm tra thuế thu nhập doanh nghiệp).
Theo báo cáo DB 2020 của Ngân hàng Thế giới, phần lớn các chỉ số này đều có sự cải thiện so với năm trước đó và được ghi nhận nhờ những nỗ lực của Việt Nam.
Cụ thể, thời gian nộp thuế giảm 114 giờ (từ 498 xuống 384 giờ); trong đó, 94 giờ giảm là do cải cách, đơn giản hóa tại các thủ tục về khai thuế giá trị gia tăng và 20 giờ giảm là do những cải cách, đơn giản hóa các thủ tục về nộp và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Số lần nộp thuế giảm từ 10 lần năm 2019 xuống còn 6 lần năm 2020.
Tổng mức thuế suất (tỷ lệ tổng thuế và đóng góp) giảm 0,2%, từ mức 37,8% năm 2019 xuống còn 37,6% năm 2020.
Tổng cục Thuế cho rằng, những ghi nhận khách quan từ DB2020 là bằng chứng cho những nỗ lực vượt bậc của toàn hệ thống trong suốt một năm qua khi thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế, cơ quan thuế các cấp đã đẩy mạnh cải cách toàn diện hệ thống, từ thể chế, phương thức, đến bộ máy, con người quản lý.
Theo đó, rất nhiều ứng dụng công nghệ thông tin đã được đưa vào hệ thống để cắt giảm, đơn giản hóa nhiều khâu trong quy trình quản lý và tạo thêm dư địa để cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân trong thực hiện nghĩa vụ với Ngân sách nhà nước.
Đơn cử như thời gian doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị nộp thuế giá trị gia tăng bao gồm lập bảng kê hóa đơn hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra theo Tờ khai thuế giá trị gia tăng đã giảm khoảng 90 giờ (từ 212 còn 122 giờ). Thời gian kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 5 lần xuống 1 lần./.
Văn Giáp (TTXVN/Vietnam+)