Nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách cho hộ nghèo
Với quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình giảm nghèo, các chương trình tín dụng chính sách xã hội là một chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc, trở thành một điểm sáng, một trong những trụ cột trong hệ thống chính sách, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương. Nhiều hộ nghèo theo đó đã được thụ hưởng chính sách và vươn lên ổn định cuộc sống. Xuất phát từ tầm quan trọng đó, nhiều đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã Tân Khánh đã được triển khai lồng ghép với nguồn vốn tín dụng chính sách. Gia đình bà Dương Thị Quyên, là một trong những hộ dân đã được vay nguồn vốn tín dụng chính sách thời gian qua. Từ nguồn vốn đó, gia đình đã có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và thoát nghèo.
Chị Dương Thị Quyên được hỗ trợ vay vốn để chăn nuôi lợn và bò. |
Chị Dương Thị Quyên, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình cho biết: "Gia đình tôi được vay vốn từ nguồn vốn tín dụng chính sách để nuôi lợn và bò, nhờ vậy mà bây giờ gia đình tôi đã thoát nghèo".
Hiện trên địa bàn huyện Phú Bình đã có hàng nghìn trường hợp được vay vốn từ các chương trình tín dụng chính sách để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội. Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương trong hoạt động ủy thác, nguồn vốn chính sách trên địa bàn huyện không ngừng tăng lên. Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn; trong đó tập trung ưu tiên cho các thôn, xóm khó khăn và các xã thuộc vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, có nhiều hộ được thụ hưởng từ 2 đến 4 chương trình tín dụng. Trong đó, gần 1.000 hộ nghèo, trên 1.500 hộ cận nghèo, khoảng 1.700 hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Cũng từ nguồn tín dụng này, huyện đã xây dựng được gần 8.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, gần 100 ngôi nhà ở cho hộ nghèo và nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp.
Bà Tô Thị Hồng, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình phấn khởi: "Tôi được vay vốn để mua bò giống và lợn giống về chăn nuôi để phát triển kinh tế, hiện nay gia đình cũng đỡ khó khăn hơn".
Nhờ được hỗ trợ vốn để mua bò giống phát triển gia đình Bà Hồng đã thoát nghèo. |
Ông Vi Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành, huyện Phú Bình cho biết: "Chúng tôi căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương và nhu cầu của bà con nhân dân xã để triển khai tới bà con nhân dân và lựa chọn các mô hình về con giống như bò, gà kết hợp chuỗi sản xuất với mô hình trồng cây. Chính quyền địa phương cũng luôn giám sát giúp bà con phát triển kinh tế tốt hơn".
Chỉ tính riêng năm 2024, huyện đã triển khai thực hiện 4 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo và cận nghèo, với tổng kinh phí trên 4,4 tỷ đồng. Đến nay, 100% người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được cấp bảo hiểm y tế miễn phí; Tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 100%; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.
Ông Tạ Văn Chung, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Phú Bình thông tin: "Thời gian tới chúng tôi cùng phối hợp với tổ chức Hội để triển khai hiệu quả nhất để nguồn vốn đến với người dân, đồng thời đồng hành cùng các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, những làng nghề để đưa vốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo định hướng phát triển của huyện Phú Bình".
Năm 2024, huyện đề ra mục tiêu tiếp tục giảm 0,78% tỷ lệ hộ nghèo. Để hoàn thành mục tiêu này, Phú Bình tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; đưa tín dụng chính sách tiếp tục lan tỏa, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 27, nhiệm kỳ 2020-2025./.