Nâng cao giá trị kinh tế từ cây ăn quả chủ lực
Quả na vẫn chủ yếu được bán lẻ với giá cả bấp bênh, không ổn định.

Với trên 16ha diện tích na được chứng nhận VietGap, trung bình mỗi năm, các thành viên của Tổ hợp tác sản xuất na VietGap Hiên Minh ở xã La Hiên, huyện Võ Nhai thu về từ 120 đến 200 triệu đồng. Tuy nhiên, quả na vẫn chủ yếu được bán lẻ với giá cả bấp bênh, không ổn định. Bà Chu Thị Quy, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất na VietGap Hiên Minh, xã La Hiên, huyện Võ Nhai chia sẻ: "Trong sản xuất na, chúng tôi gặp khó khăn về vấn đề tiêu thụ vì khâu bảo quản sau thu hoạch còn hạn chế".

Là vùng chuyên canh cây na lớn nhất của tỉnh, hiện xã La Hiên có trên 340ha trồng na, trong đó, có trên 50ha diện tích na đạt tiêu chuẩn VietGap. Nhưng những năm qua, sản phẩm “Na La Hiên” vẫn chưa có mặt tại hệ thống các siêu thị trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND xã La Hiên, huyện Võ Nhai cho hay: "Đặc tính của na là chín rất nhanh, cấp chính quyền cũng như các ngành mà đưa được kỹ thuật cũng như công nghệ mới trong bảo quản quả na sau thu hoạch, thì lúc đó, sản phẩm có thể đi được xa hơn".

Tại Đại Từ, việc gắn nhãn hiệu tập thể và xây dựng thương hiệu "Bưởi Tiên Hội" thời gian qua đã khẳng định được vị thế của bưởi diễn trong cơ cấu nông nghiệp địa phương. Trung bình mỗi hécta bưởi cho thu nhập khoảng 250 triệu đồng/năm. Thấy được hiệu quả của loại cây trồng này, nhiều nông dân ở xã Tiên Hội đã mở rộng quy mô và tính đến những giải pháp bền vững đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Ông Hà Văn Nhâm, xã Tiên Hội, huyện Đại Từ cho biết: "Từ sản phẩm quả bưởi có thể tái tạo ra rất nhiều nguồn, nên đừng nghĩ rằng quả bưởi rẻ xuống 10.000-15.000 đồng đã có sự hoài nghi, tôi vẫn cảm thấy phấn chấn và phát triển".

Nâng cao giá trị kinh tế từ cây ăn quả chủ lực
Thái Nguyên hiện đã hình thành 8 vùng chuyên canh các loại cây ăn quả với tổng diện tích trên 500ha.

Thái Nguyên hiện đã hình thành 8 vùng chuyên canh các loại cây ăn quả với tổng diện tích trên 500ha, tập trung tại các địa phương có truyền thống trồng cây ăn quả như: Võ Nhai, Phổ Yên, Đại Từ, Đồng Hỷ... Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, người sản xuất đã chú trọng đến việc quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tuy nhiên, việc mở rộng diện tích chuyên canh cây ăn quả chủ lực và thị trường tiêu thụ vẫn còn nhiều hạn chế.

Để phát triển cây ăn quả trở thành vùng chủ lực, cho hiệu quả kinh tế cao, tỉnh Thái Nguyên chủ trương phát triển theo chiều sâu, với các loại cây chủ lực. Theo đó, giai đoạn 2021-2030, toàn tỉnh phấn đấu chuyển đổi khoảng 2.780ha từ quỹ đất hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ người dân trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ, đưa sản phẩm vào hệ thống các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn tỉnh.

Ông Dương Sơn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết thêm: "Chính sách của Nhà nước sẽ tập trung hỗ trợ cho bà con về cây giống, Sở Nông nghiệp cùng với chính quyền địa phương sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, kêu gọi thu hút đầu tư cho doanh nghiệp chế biến sản phẩm như sản phẩm na để kéo dài thời gian bảo quản, để những sản phẩm đó đạt được chất lượng để đưa vào siêu thị, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng".

Việc từng bước hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả chất lượng cao gắn với thị trường tiêu thụ ổn định đang khẳng định hiệu quả trong thực tiễn tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Điều này không chỉ là cơ sở nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích sản xuất mà còn giúp tăng thu nhập cho người nông dân, đẩy nhanh quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương. Để tiếp tục phát huy giá trị kinh tế từ các vùng chuyên canh cây ăn quả, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn và sự thay đổi tư duy của chính bà con nông dân./.