Nâng cao giá trị cây ăn quả chủ lực
Được sự hỗ trợ từ Đề án Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh gia đình anh Ninh Hồng Thủy đã đưa thêm cây bưởi vào trồng thử nghiệm.

Cùng với lợi thế có đất đồi rộng và đã có nhiều năm tích lũy kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc cây bưởi. Với diện tích hơn 1ha, nếu như những năm trước gia đình anh Ninh Hồng Thủy, ở xóm La Chanh, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ trồng những cây có giá trị không cao; năm nay, được sự hỗ trợ từ Đề án Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh gia đình anh đã đưa thêm cây bưởi vào trồng ở phần diện tích đất đồi còn lại của gia đình.

Anh Ninh Hồng Thủy chia sẻ: "Gia đình tôi được Nhà nước quan tâm, đưa một số giống bưởi mới rất ngon về. Qua trồng thử nghiệm ban đầu, thấy rất khả thi sẽ phát triển rộng ra, không chỉ riêng gia đình mà cũng rất nhiều gia đình ở đây đã, đang trồng và phát triển mô hình này".

Nâng cao giá trị cây ăn quả chủ lực
Đề án Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh đã lựa chọn 3 loại cây là bưởi, nhãn và na là cây trồng chủ lực để tạo ra lợi thế, phát triển cây ăn quả của tỉnh theo hướng hàng hóa, giá trị.

Là vùng chuyên canh cây na lớn nhất của tỉnh, hiện xã La Hiên, huyện Võ Nhai có trên 340ha trồng na, trong đó, có trên 50ha diện tích na đạt tiêu chuẩn VietGap. Thực hiện Đề án Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, người dân cũng đã được hỗ trợ về nhiều mặt và được cấp cây giống đảm bảo nguồn gốc và sinh trưởng phát triển tốt.

Chị Nguyễn Thị Út, ở xóm Xuân Hòa, xã La Hiên, huyện Võ Nhai cho hay: "Trước đây, chúng tôi trồng chủ yếu là cây giống ươm từ hạt chứ chưa biết làm để cây giống đạt hiệu quả. Được sự quan tâm của ngành Nông nghiệp đã cho cây giống đảm bảo chất lượng".

Ông Nông Minh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Võ Nhai cho biết: "Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích bà con nông dân đầu tư, mở rộng diện tích cây ăn quả, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất kém hiệu quả, đất lúa 1 vụ sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Huyện phấn đấu đến năm 2025, diện tích cây ăn quả trên địa bàn sẽ đạt khoảng 3.000ha, phấn đấu đưa huyện Võ Nhai trở thành trung tâm cây ăn quả của tỉnh Thái Nguyên".

Thực hiện Đề án Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, bà con nông dân sẽ được hỗ trợ 100% giá cây giống; 100% kinh phí chứng nhận sản phẩm theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ lần đầu; hỗ trợ 40% chi phí phân bón vi sinh, hữu cơ, chế phẩm sinh học; chi phí đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm; mua máy móc, thiết bị sơ chế, chế biến, đóng gói và bảo quản sản phẩm. Theo đó, năm 2021, trên toàn tỉnh có 4 địa phương triển khai cấp cây giống và tiến hành trồng với 70ha cây na, 60ha cây bưởi và 40ha cây nhãn.

Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: "Phát triển cây trồng chủ lực nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên tất cả cây trồng kém hiệu quả, năng suất, chất lượng không cao thông qua Đề án Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực; đề nghị các địa phương rà soát quỹ đất có thể phát triển cây trồng chủ lực, rà soát quỹ đất đã, đang có những cây trồng kém hiệu quả; quy hoạch, đăng ký với UBND cấp huyện, tỉnh để chuyển đổi trồng cây chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao".

Cùng với những giải pháp tích cực trong việc phát triển cây trồng chủ lực trên địa bàn thì mỗi người dân cũng cần nâng cao kiến thức kỹ thuật; đồng thời, tăng cường chuỗi liên kết hàng hóa để phát triển cây ăn quả chủ lực để sản xuất nông nghiệp ngày thêm hiệu quả và bền vững./.