Năm 2019, tăng trưởng kinh tế có khả năng vượt chỉ tiêu và đạt trên 7%
Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý 3, do Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thực hiện và công bố ngày 10/10. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Với mức tăng trưởng đạt 7,31% của quý 3, thì mục tiêu tăng trưởng 6,6%-6,8% của năm 2019 do Quốc hội đề ra là khả thi và dự báo tăng trưởng còn có thể đạt 7,05%.
Đây là nội dung chính được công bố tại Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý 3, do Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra ngày 10/10.
Báo cáo dẫn lời các chuyên gia nhấn mạnh rằng mặc dù kinh tế thế giới chứng kiến sự suy giảm về tăng trưởng trong quý 3 song Việt Nam vẫn đạt mức 7,31%, đó là nhờ vào thị trường với hoạt động kinh doanh bán lẻ và dịch vụ diễn ra ổn định. Do đó, tuy tăng trưởng vốn đầu tư tại khu vực Nhà nước thấp, nhưng khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục có tăng trưởng cùng tỷ lệ giải ngân cao. Nhờ vậy, cán cân thương mại trong chín tháng của năm duy trì ở trạng thái cân bằng.
Báo cáo cũng chỉ ra điểm sáng trong quý, đó là lạm phát bình quân ở mức 2,23%, đưa CPI 9 tháng giữ ở mức 2,5%. Tuy nhiên, tiến sỹ Phạm Thế Anh-Kinh tế trưởng VEPR, cho rằng việc kiểm soát lạm phát vẫn không thể chủ quan bởi nhiều nguy cơ tiềm ẩn vẫn luôn rình rập, như biến động về giá lương thực, thực phẩm tăng do tình hình bệnh dịch hay giá dịch vụ giáo dục đồng thời tăng và giá năng lượng biến động không ngừng.
Tính chung chín tháng, khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 6,85%/năm. Tuy nhiên, ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng yếu ở mức 2,02%/năm trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng tới 9,56%/năm.
Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) tăng 9,6%/năm và chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng khả quan và tăng 9,5%/năm. Nhưng đáng chú ý, chỉ số tồn kho bình quân vẫn tiếp tục tăng cao theo đà từ năm 2018 và lên tới 17,2%/năm.
Cả nước đón nhận 35.316 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 430.600 tỷ đồng, tại quý 3. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trên bình diện quốc tế, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, Nhật Bản-Hàn Quốc đang ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, giá trị các đồng tiền mạnh và thị trường tài sản. Do đó, nhiều nền kinh tế lớn đang hướng tới giảm lãi suất nhằm mục đích khuyến khích tăng trưởng.
Tại Việt Nam, lãi suất liên ngân hàng đang giảm mạnh sau quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, mở ra cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp tiếp cận dòng vốn rẻ hơn về cuối năm.
Theo các chuyên gia, Việt Nam trở thành một trong bảy đối tác xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ trong quý 3 đã giúp lượng dự trữ ngoại hối trong nước gia tăng, đạt hơn 71 tỷ USD. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước cần cẩn trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và khách quan.
"Bên cạnh đó, Việt Nam nên tập trung vào cải cách chính sách về tài khóa, tiền tệ và tỷ giá để đối mặt bất ổn của kinh tế thế giới, đặc biệt nên điều chỉnh tỷ giá linh hoạt, giữ lãi suất ổn định," báo cáo dẫn lời các chuyên gia cho hay.
Tiến sỹ Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR phát biểu.
Hạnh Nguyễn (Vietnam+)