“Mổ xẻ” trách nhiệm quản lý các dự án bất động sản tại Bình Thuận
Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Bình Thuận khóa X tiếp tục diễn ra ngày 24/7 với phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Nhiều nhóm vấn đề được nêu ra để tìm giải pháp tháo gỡ, trong đó nổi lên việc quản lý, chấn chỉnh hoạt động xây dựng và kinh doanh bất động sản trên địa bàn.
Hàng loạt dự án bất động sản ven biển trên địa bàn Bình Thuận chưa đủ điều kiện kinh doanh đã rao bán. |
Trong đó, có 4 dự án phát triển đô thị đủ điều kiện kinh doanh, gồm: Khu dân cư Tân Việt Phát 1, Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, Khu dân cư Bông Vải tại thị trấn Đức Tài (huyện Đức Linh), khu dân cư Dâu Tằm tại thị xã La Gi; 1 dự án nhà ở xã hội đã đưa vào hoạt động; 1 dự án nhà ở giá rẻ mở bán cho công nhân trong tương lai; 2 dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện kinh doanh (Ocean Vista, Aloha Villa Beach), 1 dự án du lịch đủ điều kiện bán căn hộ trong tương lai là Orient resort tại thành phố Phan Thiết.Trên địa bàn Bình Thuận hiện có 32 dự án kinh doanh bất động sản và 42 dự án du lịch kết hợp kinh doanh bất động sản đã được chấp thuận đầu tư.
Trong khi nhiều dự án chưa đủ điều kiện, thì xuất hiện hiện tượng các chủ đầu tư, đơn vị phân phối và tổ chức, cá nhân tự kinh doanh, môi giới bất động sản thực hiện việc rao bán, giữ chỗ đặt chỗ, đăng ký vị trí để thu tiền của người mua khi bất động sản chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh không được quy định tại Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các quy định của pháp luật.
Ông Xà Dương Thắng, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Thuận trả lời chất vấn tại kỳ họp. |
Ông Xà Dương Thắng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận nói: “Trách nhiệm này thuộc về các chủ đầu tư.” Cho rằng lãnh đạo Sở Xây dựng đã thoái thác trách nhiệm, Đại biểu Phạm Thị Minh Hiếu chất vấn: “Là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh quản lý các dự án xây dựng và kinh doanh bất động sản, dự án nhà ở; nhưng mà Giám đốc Sở Xây dựng trả lời rằng việc rao bán, giữ chỗ, đặt chỗ đăng ký vị trí thu tiền của người mua trong khi dự án chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh là trách nhiệm của nhà đầu tư là chưa đủ; trách nhiệm của nhà nước trong quản lý lĩnh vực này như thế nào?”.
Ông Xà Dương Thắng cho rằng, Sở Xây dựng đã thực hiện đúng trách nhiệm. Khi tiếp nhận thông tin trên mạng và báo chí về các dự án có các giao dịch mua bán dưới hình thức đặt chỗ, giữ chỗ, đăng ký chỗ, ngành xây dựng đã có văn bản khuyến cáo các chủ đầu tư, yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện đúng, đủ các điều kiện kinh doanh bất động sản.
Đồng thời, Sở phối hợp với các cơ quan truyền thông địa phương tuyên truyền rộng rãi đến người dân. Nhờ đó, đến nay tình hình đã dần ổn định. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ dừng lại ở mức cảnh báo, còn việc xử lý vi phạm là chưa thể, vì các sàn giao dịch tổ chức quảng bá sản phẩm tại TP.HCM và Hà Nội.
Về định hướng sắp tới, ông Thắng cho biết: “Chúng tôi đang thông tin, trao đổi với một số Sở Xây dựng như TPHCM để làm sao kết nối được mảng thanh tra xây dựng, để chúng tôi nắm bắt được tình hình, thông báo cho các đơn vị bạn, tiến hành xem xét xử lý nếu có vi phạm. Còn thực ra, khi xử lý vi phạm phải đúng tính chất, đúng nội dung, đúng hành vi của họ thì chúng ta mới xử lý được”.
Nhận định nếu không quản lý tốt, khả năng xảy ra rủi ro gây thiệt hại cho người dân là rất lớn, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan ngồi lại với nhau xem xét đối chiếu các quy định pháp luật để có hướng xử lý các trường hợp vi phạm.
Theo đó, việc xử lý phải chặt chẽ, đúng luật. Tới đây, tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục thực hiện công khai thông tin các dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh lên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương, nhất là trên cổng thông tin điện tử của tỉnh và trang thông tin của Sở Xây dựng.
Qua đó, người dân trong và ngoài tỉnh nắm rõ thông tin, tránh các dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh, giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra trong tương lai./.