Mở thêm cơ hội hợp tác kinh tế với Indonesia, Australia, New Zealand
Đoàn công tác của Chính phủ Việt Nam do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn đầu đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm 3 nước Indonesia, Australia, New Zealand và Ban Thư ký ASEAN từ ngày 19 tới ngày 28/7.
Chuyến công tác của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tới 3 nước nhằm thắt chặt mối quan hệ ngoại giao, chính trị, tăng cường năng lực hợp tác kinh tế, giao thương hàng hoá, khoa học kỹ thuật, chuẩn bị cho các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao của hai nước trong năm 2017.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng New Zealand Paula Bennet. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Mở ra thị trường cho nông sản đặc sản của Việt Nam
Qua các buổi làm việc, phía Australia và New Zealand đã phát thông điệp rõ ràng về việc sẽ hỗ trợ và tạo thuận lợi cho tôm tươi nguyên con đông lạnh, trái thanh long, chôm chôm của Việt Nam xuất khẩu trong thời gian tới. Trong năm nay, thanh long sẽ có mặt ở Australia, chôm chôm có mặt tại New Zealand.
Tại Australia, các lãnh đạo cấp cao của Chính phủ như Quyền Thủ tướng Banarby Joyce và Bộ trưởng Thương mại Steven Ciobo đã khẳng định, Australia sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác Việt Nam để hỗ trợ các mặt hàng trái cây nhiệt đới, tôm nguyên liệu không qua chế biến đáp ứng điều kiện nhập khẩu vào Australia.
Còn với tôm đã qua nấu chín (hiện đang chiếm hơn 30% thị phần nhập khẩu tôm của Australia) vừa được phía bạn cho phép nhập khẩu trở lại sau lệnh cấm nhập từ tháng 1/2017 nhưng kèm thêm điều kiện phải kiểm tra virus thẻ chân trắng đối với 100% các mặt hàng.
Để tạo thuận lợi cho hàng hoá của Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhập khẩu thuỷ sản Australia khẳng định sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xây dựng phòng thí nghiệm xét nghiệm chất lượng tôm ngay tại Việt Nam (thay vì đặt tại Australia như hiện nay) để giảm chi phí. Đồng thời Chính phủ Australia cho biết sẽ sớm xem xét lại các quy định về tiêu chuẩn nhập khẩu tôm phù hợp với quy định của Tổ chức Thú y thế giới mà hai nước là thành viên.
Trong khi đó tại New Zealand, Phó Thủ tướng Paula Bennett và Bộ trưởng Thương mại Todd McClay khẳng định sẽ tạo điều kiện cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường New Zealand mà trước mắt sẽ sớm hoàn thành rà soát rủi ro để đưa trái chôm chôm vào thị trường New Zealand trong năm 2017 và sau này là các loại trái cây khác.
Ngoài ra, New Zealand tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực và công nghệ sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm nông nghiệp để đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thị trường thế giới. Hai bên cũng nhất trí sẽ thúc đẩy sớm thu xếp tổ chức kỳ họp lần thứ 6 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế - thương mại.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Quyền Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia Barnaby Joyce. Ảnh: VGP/Thành Chung |
“Việc các nước khẳng định hỗ trợ tôm tươi nguyên con, các sản phẩm tôm qua chế biến, các loại hoa quả trái cây nhiệt đới của ta đáp ứng điều kiện nhập khẩu sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động của các doanh nghiệp và bà con nông dân. Đối với thanh long, nếu hoàn thành cấp phép trong năm 2017 thì Việt Nam sẽ là nước đầu tiên và duy nhất tới thời điểm này được cấp phép nhập khẩu vào thị trường Australia”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá.
Ngoài ra theo ông Nam, Việt Nam còn được phía New Zealand tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực và công nghệ sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm nông nghiệp để đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thị trường thế giới, góp phần thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp nói chung.
Trong chuyến công tác tại Indonesia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề nghị phía bạn tổ chức phiên họp lần thứ 7 của Uỷ ban hỗn hợp hợp tác về kinh tế, khoa học, kỹ thuật trong đầu tháng 8/2017 sau 2 năm gián đoạn và đã nhận được sự đồng ý từ phía các Bộ trưởng và Phó Tổng thống Jussuf Kalla.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, hoạt động của Uỷ ban hỗn hợp có ý nghĩa quan trọng để hai bên cùng ngồi lại với nhau, thảo luận các vấn đề về giao thương hàng hoá, trao đổi kinh nghiệm quản lý, ứng dụng khoa học, kỹ thuật giữa hai quốc gia. Hiện nay, nhiều hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia còn gặp trở ngại như gạo, điện thoại di động, máy tính, máy tính bảng, tôn thép,… nên việc tiến hành phiên họp của Uỷ ban hỗn hợp về kinh tế, khoa học kỹ thuật vốn bị gián đoạn 2 năm qua sẽ có ý nghĩa không nhỏ trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư trong thời gian tới.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Enggartiasto Lukita cho biết Indonesia vẫn luôn ưu tiên cho Việt Nam nếu phải nhập khẩu gạo. Không chỉ vậy, ông Enggartiasto Lukita đánh giá cao việc hai bên đã hợp tác trong xuất nhập khẩu và chế biến hồ tiêu và cho biết sẽ tiếp tục phát triển lĩnh vực này.
Còn Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết hiện nay Việt Nam đang nhập khẩu 30% tổng lượng hồ tiêu mà Indonesia sản xuất hằng năm để chế biến và xuất khẩu. Vì vậy, buổi làm việc đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác sâu, rộng hơn nữa đối với hai quốc gia sản xuất hồ tiêu lớn nhất, nhì thế giới trong những năm tiếp theo này.
Ngày 21/7 sau hội kiến, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó Tổng Thống Jusuf Kalla đã gặp gỡ báo chí thông báo kết quả làm việc. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển và quản lý thị trường tài chính
Bên cạnh việc đưa các mặt hàng cụ thể nhập khẩu vào các nước, đoàn công tác của Chính phủ còn nối lại và xây dựng mới nhiều hoạt động hợp tác về phát triển và quản lý thị trường tài chính với các quốc gia phát triển này.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Ngân khố và Tài chính Australia khẳng định tiếp tục ký Biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác với Bộ Tài chính Việt Nam tại Sydney trong năm nay khi mà Biên bản ghi nhớ lần một được hai bên ký năm 2012 và gián đoạn từ năm 2015 tới nay. Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết việc sự hợp tác này của Australia có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực chính sách công cấp cao, quản lý nợ công, phân bổ ngân sách theo kết quả đầu ra, không dựa vào bình quân theo dân số hay theo bình quân đầu người,...
Trong khi đó, Chủ tịch Uỷ ban Đầu tư, Thương mại và Du lịch Australia thống nhất khởi động lại Uỷ ban hỗn hợp hai nước về phát triển kinh tế và nâng lên cấp đối thoại từ cấp Thứ trưởng lên Bộ trưởng.
Còn Bộ trưởng Tài chính New Zealand Steven Joyce khẳng định với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ rằng nước này sẽ chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam trong tái cơ cấu tài chính, ngân hàng, cổ phần hóa doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, tái cơ cấu nợ xấu và trong các lĩnh vực mà New Zealand có kinh nghiệm.
Tới thăm Trung tâm Đổi mới - Sáng tạo Australia- nơi đang ươm mầm và ứng dụng một sáng kiến công nghệ tại Việt Nam trong lĩnh vực môi trường nước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định sự hợp tác giữa hai quốc gia đang chuyển từ đối tác viện trợ sang đối tác phát triển, hướng tới sự phát triển bền vững.
Đề cao vai trò trung tâm của ASEAN
Đáng chú ý, qua các chuyến thăm 3 quốc gia và Ban Thư ký ASEAN, các bên đều khẳng định ủng hộ tự do hoá thương mại là xu hướng tất yếu và coi trọng tính đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong xử lý các vấn đề có tính khu vực và quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Tại mỗi quốc gia đoàn công tác của Chính phủ tới làm việc, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý; kêu gọi các bên thực hiện kiềm chế, không có các hoạt động làm phức tạp hay leo thang tranh chấp; thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông và phối hợp chặt chẽ để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử.
Việt Nam cùng với Australia, New Zealand khẳng định tăng cường hợp tác song phương và thực hiện hiệu quả các cơ chế ASEAN+, thúc đẩy việc thực hiện các hiệp định tự do thương mại TPP và RCEP./.