Mở hướng phát triển nông nghiệp bền vững
Hợp tác xã Chè Hảo Đạt ở thành phố Thái Nguyên đã chuyển đổi sang sản xuất theo hướng hữu cơ. |
Nhận thấy việc sản xuất hữu cơ không những cung cấp sản phẩm an toàn cho thị trường mà còn bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân người làm chè, vì vậy, Hợp tác xã Chè Hảo Đạt ở thành phố Thái Nguyên đã chuyển đổi sang sản xuất theo hướng hữu cơ. Tuy nhiên làm thế nào để được cấp chứng nhận sản xuất chè hữu cơ là vấn đề mà lãnh đạo đơn vị đang trăn trở, mặc dù HTX là đơn vị đầu tiên trong tỉnh có sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao cấp Quốc gia.
Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc Hợp tác xã Chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP Thái Nguyên cho hay: "Đối với xu hướng hiện nay, người tiêu dùng quan tâm nhất là sản phẩm sạch, chúng tôi phải có đủ tem mác của những sản phẩm trà khi cung cấp cho người tiêu dùng, sản phẩm đã được chứng nhận hữu cơ. Từ đó, người tiêu dùng tin tưởng hơn về việc đảm bảo chất lượng".
HTX Chè Hoan Xuyến ở xã Vô Tranh, huyện Phú Lương cũng đã chuyển đổi 15ha chè sang canh tác theo hướng hữu cơ. |
Đầu năm 2022, HTX Chè Hoan Xuyến ở xã Vô Tranh, huyện Phú Lương đã chuyển đổi 15ha chè sang canh tác theo hướng hữu cơ. Tuy nhiên, hiện nay, sản phẩm chè theo hướng sản xuất này chưa có thị trường tiêu thụ ổn định vẫn là khó khăn với Hợp tác xã.
Bà Tống Thị Xuyến, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương, Thái Nguyên chia sẻ: "Chúng tôi đang sử dụng và thực hiện rất tốt; nhưng vùng đệm để được chứng nhận 15ha hữu cơ rất khó, vì không được quy hoạch từ trước nên vẫn xen canh, xen cư đối với nhà ở".
Trước những vướng mắc, khó khăn của nhiều Hợp tác xã, mới đây, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên đã thành lập Chi hội Nông nghiệp hữu cơ. Chi hội được thành lập với kỳ vọng sẽ đóng góp vào sự phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh.
PGS.TS Đào Thanh Vân, Chủ tịch Chi hội Nông nghiệp hữu cơ, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên cho biết: "Chi hội Nông nghiệp hữu cơ được thành lập sẽ triển khai một số nhiệm vụ cơ bản, phát động phong trào sản xuất hữu cơ của tỉnh, nâng cao nhận thức năng lực cho nông dân, cho các Hợp tác xã, doanh nghiệp để có thể tổ chức sản xuất hữu cơ, tạo ra những sản phẩm hữu cơ kết nối với thị trường".
Thái Nguyên cũng là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện mô hình sản xuất chè hữu cơ từ năm 1998; bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã khẳng định được lợi ích thực tế trên địa bàn tỉnh. Chính vì vậy, việc có thêm 1 đơn vị tư vấn, hướng dẫn sản xuất nông nghiệp hữu cơ sẽ là động lực thúc đẩy hướng sản xuất đầy tiềm năng này.
TSKH. Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam thông tin: "Sắp tới, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam sẽ phối hợp, chỉ đạo Chi hội tổ chức những lớp tập huấn, những cán bộ chuyên ngành về nông lâm nghiệp nói chung được nâng cao kiến thức về nông nghiệp hữu cơ để đưa sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có thể lan tỏa trong quốc gia và xuất khẩu ra quốc tế".
Với sự chung tay, quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành bằng những cơ chế, giải pháp thiết thực, cùng sự thay đổi nhận thức về phương thức sản xuất sẽ giúp nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh phát triển đúng hướng. Qua đó, không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng thương hiệu, niềm tin với người tiêu dùng mà còn giúp bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững./.