Lợi ích kép từ gắn kết đào tạo nghề
Nhiều đơn vị giáo dục nghề nghiệp đã và đang tập trung triển khai hoạt động hướng nghiệp cho sinh viên. |
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, em Phù Thị Thuyên lựa chọn ngành học kỹ thuật chế biến món ăn, Trường Trung cấp Nghề Thái Nguyên. Trong quá trình học tập tại nhà trường, Thuyên và các bạn học sinh trong lớp thường xuyên được nhà trường đưa đi thực tế các nhà hàng, khách sạn để có những kinh nghiệp, trải nghiệm từ thực tế.
Em Phù Thị Thuyên, Lớp Kỹ thuật chế biến món ăn, Trường Trung cấp nghề Thái Nguyên chia sẻ: "Sau khi tốt nghiệp em sẽ nộp đơn vào làm việc tại nơi em đã thực tập, không mất thời gian tập sự và có thể làm việc được luôn".
Trên địa bàn tỉnh hiện có 37 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. |
Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại trung bình mỗi năm tuyển sinh hơn 1.800 học sinh, sinh viên. Hiện nay, nhà trường đang đào tạo các ngành nghề mà nhu cầu tuyển dụng lao động đang cần nhiều như: Điện công nghiệp, công nghệ ôtô, công nghệ hàn… Để gắn công tác đào tạo với việc hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, hiện nay nhà trường đang liên kết với 20 doanh nghiệp.
Ông Trần Mạnh Hùng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại, Thái Nguyên cho hay: "Để đáp ứng được yêu cầu của chương trình đào tạo, hàng năm, nhà trường tiến hành rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp với công nghệ sản xuất, đưa công nghệ hiện đại vào chương trình học để học sinh, sinh viên có thể đáp ứng công việc sau khi ra trường".
Trên địa bàn tỉnh hiện có 37 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong quá trình đào tạo, các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp đã chủ động tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực tế của học viên, điều chỉnh giáo trình đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, những ngành nghề không còn phù hợp được loại bỏ, ưu tiên phát triển các ngành nghề xã hội cần.
Ông Trần Quốc Trung, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Nhu cầu tuyển dụng lao động trong các khu công nghiệp rất lớn. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã ký các chương trình hợp tác với các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh để cung ứng nguồn lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp".
Ông Phạm Đức Thuận, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên thông tin: "Các doanh nghiệp đã liên kết chặt chẽ với các cơ sở đào tạo nghề, giúp các doanh nghiệp chủ động nguồn nhân lực, không mất thời gian đào tạo lại, có thể bố trí việc làm ngay sau khi tiếp nhận".
Trong xu thế hội nhập ngày nay, sự gắn kết, hợp tác chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong đào tạo nghề là một trong những điểm tựa vững chãi, mang lại lợi ích cho cả 2 bên, góp phần hình thành đội ngũ lao động lành nghề, tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao./.