Lĩnh vực công nghiệp duy trì tăng trưởng
Ngành sản xuất vật liệu xây dựng đạt mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2020

Ngành sản xuất vật liệu xây dựng được xem là một trong những lĩnh vực công nghiệp chủ lực của tỉnh. Có thể thấy, sau thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, chiều hướng phục hồi của nền kinh tế, cũng như chủ động tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ, nên nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này vẫn duy trì ổn định sản xuất và đạt mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ.

Cụ thể, kết thúc quý I, tổng sản lượng sắt thép đạt 370 nghìn tấn sản phẩm các loại, tăng 1,5% so với cùng kỳ. Sản phẩm gạch xây dựng và gạch gốm sứ đạt gần 16 triệu sản phẩm, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, mặc dù quý I là thời điểm có nhiều thời gian nghỉ trong dịp Tết Nguyên đán, song các nhà máy sản xuất xi măng của tỉnh vẫn đạt con số ấn tượng, với sản lượng sản xuất và tiêu thụ đạt trên 700 nghìn tấn, tăng 14% so với cùng kỳ và bằng 24% kế hoạch năm.

Ông Nguyễn Sóng Gió, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần xi măng Quán Triều cho biết: “Thời điểm này, sự hồi phục của ngành công nghiệp xây dựng khá tốt, doanh số bán hàng quý I/2021 tăng lên, tương đương cùng kỳ năm trước. Sản lượng bán mỗi ngày của công ty Cổ phần xi măng Quán Triều đạt 3000-3500 tấn/ngày”.

Nếu như cùng thời điểm này của năm 2020, hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng là cụm từ mà nhiều lĩnh vực để cập đến, thì trong quý I năm nay, chỉ số tăng trưởng ổn định của lĩnh vực xuất, nhập khẩu đã cho thấy sự phục hồi tích cực của nền kinh tế nói chung, lĩnh vực công nghiệp nói riêng.

May mặc là một trong những ngành có sự phục hồi ấn tượng với kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt trên 92 triệu đô la Mỹ, tăng 13% so với cùng kỳ và bằng 28% kế hoạch năm. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh đã xác lập xong đơn hàng xuất khẩu đến hết quý II, thậm chí là quý III và quý IV. Chính vì vậy, vấn đề ưu tiên của các doanh nghiệp may mặc đó chính là tổ chức sản xuất an toàn, hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Đoàn, Phó Giám đốc Nhà máy May Đại Từ, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG thông tin: “Chúng tôi đã có những giải pháp rất cụ thể đối với sản xuất. Cụ thể đối với từng đơn hàng ký được rất tốt. hiện đã ký được hết quý III/2021. Chúng tôi đang triển khai chạy hết công suất phục vụ kịp các đơn hàng”.

Ông Nguyễn Văn Tú, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư quốc tế Thagaco cho biết: “Hiện giai đoạn 2 nhà máy đã tuyển đủ 2000 công nhân và cuối tháng 4 này sẽ đi vào hoạt động, tăng công suất để đáp ứng kịp đơn hàng xuất khẩu”.

Lĩnh vực công nghiệp duy trì tăng trưởng
Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo hồi phục với mức tăng trưởng gần 7% so với cùng kỳ

Cùng với lĩnh vực công nghiệp vật liệu xây dựng, may mặc, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo cũng đang dần hồi phục với mức tăng trưởng gần 7% so với cùng kỳ. Trong quý I, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh này không chỉ duy trì ổn định sản xuất kinh doanh mà còn từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc đầu tư nguồn nhân lực, công nghệ và quy mô hạ tầng để hướng tới cung cấp các sản phẩm phụ trợ trực tiếp cho các hãng có thương hiệu, uy tín trong nước và khu vực.

Ông Bùi Xuân Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thang máy - Cơ khí Tân Lập chia sẻ: “Chúng tôi đang xây dựng đề án để nâng công suất sản xuất lên để mình. Sản phẩm hiện nay được ưa chuộng. Mình nâng công suất lên để tăng sản lượng. Tiêu chí thì nhiều hãng đã đặt vấn đề. Doanh nghiệp đang bắt đầu xây dựng nhà máy tại khu công nghiệp Sông Công I”.

Bên cạnh nhiều tín hiệu tích cực ở khu vực công nghiệp kinh tế trong nước và địa phương, sự phục hồi sản xuất của khu vực công nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài đã tạo nên bức tranh công nghiệp của tỉnh với nhiều điểm sáng, với giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 139 nghìn tỷ đồng, tăng trên 6% so với cùng kỳ. Đây là thành quả của sự chủ động của tỉnh và địa phương trong việc thực hiện mục tiêu kép, đó là vừa đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Ông Kim Kyung Man, Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Doosun Việt Nam chia sẻ ý kiến: “Chúng tôi đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh trong việc đảm bảo môi trường sản xuất, kinh doanh khi mà mà dịch bệnh COVID-19 vẫn có diễn biến phức tạp, khó lường. Hiện tại, doanh nghiệp không bị ảnh hưởng gì. Vấn để xuất nhập khẩu hàng hóa, nguyên phụ liệu của công ty cũng rất thuận lợi. Thời điểm này, công ty bắt đầu bố trí để công nhân, người lao động đi làm tăng nhằm nâng cao công xuất, thực hiện tốt các đơn hàng đã ký kết. Trước khi vào công ty, người lao động đều thực hiện rửa tay sát khuẩn, có phương án phòng, chống dịch ngay từ cổng vào”.

Ông Bùi Văn Lương, Bí thư Thị ủy, chủ tịch UBND Thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên cho biết: “Chúng tôi luôn luôn lắng nghe, chia sẻ và hỗ trợ các doanh nghiệp đang đầu tư trên địa bàn, tạo ra niềm tin cho các doanh nghiệp và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Với sự quan tâm thu hút của tỉnh và của thị xã Phổ Yên đã tạo ra sức hấp dẫn của địa phương trong thu hút đầu tư vào địa bàn, góp phần phát triển kinh tế, xã hội”.

Kết thúc quý I, giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh đạt gần 150 nghìn tỷ đồng, tăng trên 6% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng trưởng bình quân trung của cả nước gần 0,5%. Những kết quả tích cực ở nhiều lĩnh vực công nghiệp là yếu tố quan trọng, tạo nên tảng đ tỉnh Thái Nguyên phần đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế của năm 2021, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp phấn đấu đạt 840 nghìn tỷ đồng.