Doanh nghiệp tư nhân, mặc dù có số lượng đông đảo, chiếm đến 97% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam, nhưng thực tế lại đang lép vế so với khối doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI số lượng ít hơn nhưng lại có nhiều lợi thế trong tiếp cận tín dụng, đất đai và những ưu đãi khác.

Doanh nghiệp chưa bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực

Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, mặc dù trên văn bản pháp luật không hề có sự phân biệt đối xử nào giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, thế nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp tư nhân rất khó để có được lợi thế về vốn, về đất đai...

“Các doanh nghiệp tư nhân đang bị đối xử ngược theo thứ tự ưu tiên: Doanh nghiệp FDI - doanh nghiệp Nhà nước - doanh nghiệp tư nhân trong nước. Khu vực này đang bị khu vực FDI và doanh nghiệp Nhà nước chèn lấn trong việc tiếp cận các nguồn lực”, ông Tuyển nhìn nhận.

kinh te tu nhan can khong gian de lon manh

Doanh nghiệp tư nhân mong muốn một môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh thực sự. (Ảnh minh họa: KT)

Từ thực tế kinh doanh của chính doanh nghiệp mình, ông Lê Văn Nam, Phó Tổng Giám đốc CTCP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình chia sẻ, nhiều dự án lớn về xây dựng vẫn được giao cho doanh nghiệp Nhà nước, trong khi doanh nghiệp tư nhân có thể làm tốt, đảm bảo chất lượng và tiến độ.

“Năng lực thực sự của nhiều doanh nghiệp tư nhân rất mạnh, nhưng tư duy lâu nay vẫn giao việc cho doanh nghiệp Nhà nước. Cơ chế xin - cho làm hạn chế cạnh tranh. Chúng tôi mong muốn một môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh thực sự. Cơ chế rõ ràng, không nảy sinh tiêu cực”, ông Nam kiến nghị.

Hiến pháp 2013 quy định, mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Cho đến nay, các chính sách pháp luật đều đảm bảo cho người dân, doanh nghiệp được tự do kinh doanh. Nhưng theo ông Đinh Trọng Thắng, Trưởng ban Chính sách đầu tư, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho dù đảm bảo bình đẳng trong gia nhập thị trường, nhưng không đảm bảo bình đẳng trong tiếp cận các nhân tố sản xuất, không cạnh tranh thì quyền tự do kinh doanh vẫn hạn chế. Việc huy động và phân bổ nguồn lực trong nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như tài nguyên, đất đai, vốn…vẫn còn theo cơ chế hành chính xin – cho.

“Những lĩnh vực này phải dần chuyển sang cạnh tranh công khai để tạo khả năng tiếp cận cho khu vực kinh tế tư nhân. Sự phát triển kinh tế tư nhân rất phụ thuộc vào việc tái cơ cấu nền kinh tế cũng như cơ chế huy động, phân bổ nguồn lực”, ông Thắng nhận định.

Không để DNNN “chèn ép” kinh tế tư nhân

Theo các chuyên gia, dung lượng thị trường, khả năng tiếp cận của kinh tế tư nhân vẫn hạn chế bởi sự cạnh tranh của doanh nghiệp Nhà nước. Cũng theo ông Đinh Trọng Thắng, Trưởng ban Chính sách đầu tư, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nếu doanh nghiệp Nhà nước càng tiếp tục giữ vai trò và nguồn lực quá lớn, thì dư địa cho khu vực kinh tế tư nhân càng hẹp đi.

“Cải cách phát triển kinh tế tư nhân cũng phải gắn với cải cách doanh nghiệp Nhà nước. Điều này đã được xác định trong Nghị quyết của Đảng, tái cơ cấu nền kinh tế 2016-2020, mục tiêu cải cách thực chất doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn thực chất tại doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân có thể vào làm”, ông Thắng lưu ý.

Song song với việc giảm thiểu sự “lấn sân” của doanh nghiệp Nhà nước, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần tạo điều kiện và khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đủ năng lực sản xuất, kinh doanh quy mô lớn.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần thiết phải hình thành nên các doanh nghiệp lớn cung ứng cho các nhà đầu tư nước ngoài, xuất khẩu và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ nhằm phát triển một cộng đồng doanh nghiệp hiệu quả. Trong đó, có doanh nghiệp đầu tàu là những tập đoàn kinh tế tư nhân có vai trò dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp còn lại.

Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII họp vào đầu tháng 5 sắp tới được kỳ vọng sẽ có quyết sách tạo ra bước phát triển mới cho kinh tế tư nhân Việt Nam./.