"Khổ vì luật" Kỳ I: Quy định mới - Bất cập thì vẫn cũ!
"Khổ vì luật" - Kỳ II: Bất cập trong quản lý - gây khó cho người dân
Kỳ III: "Khổ vì luật" - cần có cơ chế, chính sách đồng bộ để giải quyết những vấn đề bất cập
Xã Lục Ba, huyện Đại Từ có 8 xóm thì 6 xóm nằm trong phạm vi quản lý lòng hồ Núi Cốc.

Trở lại với câu chuyện của xã Lục Ba, huyện Đại Từ, lãnh đạo UBND xã này cho biết, xã có 8 xóm thì 6 xóm nằm trong phạm vi quản lý lòng hồ Núi Cốc. Trước đây, khi nhà nước tiến hành quản lý từ cốt 46,25 đến cốt 48,25, 1/3 diện tích đất ở, đất canh tác của người dân đã bị ảnh hưởng, nay nâng lên cốt 50, thì ít nhất một nửa diện tích đất tự nhiên của xã sẽ nằm dưới cốt quản lý này, hơn 3.000 nhân khẩu chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi sẽ mất đi sinh kế. Không những thế phần lớn hạ tầng giao thông, công trình phúc lợi xã hội đã đạt tiêu chí nông thôn mới bị ảnh hưởng, mà ngay cả quy hoạch khu trung tâm xã cũng đứng trước nguy cơ không thể thực hiện được. Trong khi đó việc giải quyết các chính sách thu hồi, bồi thường, tái định cư cho các hộ dân hầu hết đều chưa được thực hiện.

Ông Trần Đức Tuân, Chủ tịch UBND xã Lục Ba, huyện Đại Từ cho biết: "Hầu hết các tuyến đường trên địa bàn xã nếu ở cốt 50 sẽ bị ảnh hưởng, ngập. Công tác quản lý điều hành gặp nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội ảnh hưởng nặng nề".

Ông Nguyễn Đình Xuân, Trưởng xóm Bẫu Châu, xã Lục Ba, huyện Đại Từ mong muốn: "Người dân đã phản ánh đến các cấp, chúng tôi mong muốn cấp trên nhìn nhận thấu đáo để người dân đỡ mất quyền lợi".

Để thực hiện Luật Thủy lợi, về lý thuyết, cơ quan quản lý nhà nước phải tiến hành rà soát, thống kê toàn bộ diện tích đất ở và đất canh tác của người dân bị ảnh hưởng, trên cơ sở đó, tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng phương án, lộ trình phù hợp để thu hồi, bồi thường và bố trí tái định cư trước khi tiến hành cắm mốc để quản lý, có như vậy mới không gây ra xung đột pháp lý giữa Luật Thủy lợi và Luật Đất đai.

Kỳ III: "Khổ vì luật" - cần có cơ chế, chính sách đồng bộ để giải quyết những vấn đề bất cập

Thế nhưng trên thực tế với số lượng hồ đập, công trình thủy lợi lớn như ở Thái Nguyên, chỉ tính riêng đối với Hồ Núi Cốc việc bố trí nguồn lực, kinh phí để thực hiện di dời trên 2.000 hộ dân có nhà ở và trên 3.000 hộ dân có đất canh tác với tổng diện tích gần 1.000ha là một thách thức vô cùng lớn, chưa kể đến số hồ, đập lớn khác trên địa bàn. Luật Thủy lợi được ban hành năm 2017, gần 7 năm đã trôi qua, thế nhưng ngay cả việc thống kê, kiểm đếm vẫn chưa hoàn thành thì chưa thể có căn cứ để có thể tham mưu giải quyết.

Ông Nguyễn Xuân Thiêm, Trưởng phòng Quản lý nước và công trình, Công ty TNH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên cho hay: "Hiện tại chưa thống kê được hết, chúng tôi đang có chương trình chỉ đạo các đơn vị tuyến dưới thống kê, tuy nhiên do cán bộ, chính quyền địa phương còn bận nhiều việc nên chúng tôi đang thực hiện dần".

Ông Phan Văn Chính, Bí thư Chi bộ xóm Tân Tiến, xã Bình Sơn, TP Sông Công cho biết: "Bây giờ nhà nước chưa có tiền để đền bù hoặc là tái định cư cho người dân thì những khu vực không xung yếu, vẫn sống được, vẫn sản xuất an toàn được thì nên có cơ chế".

Nhận thấy rõ những bất cập nảy sinh trong thực tiễn, cơ quan quản lý Nhà nước phải khẩn trương xây dựng và đề xuất phương án cụ thể để tham mưu cho cấp có thẩm quyền. Nhưng theo tìm hiểu thì đến nay những cơ chế, chính sách để giải quyết vấn đề đất đai đối với người dân có liên quan đến các quy định của Luật Thủy lợi vẫn chỉ dừng lại ở giai đoạn đề xuất.

Ông Nguyễn Xuân Thiêm, Trưởng phòng Quản lý nước và công trình, Công ty TNH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên cho biết thêm: "Công ty đã báo cáo với cơ quan cấp trên, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy lợi, chủ sở hữu để có giái pháp".

Thực tế hiện nay, nếu như chưa giải quyết triệt để các chính sách về đất đai đối với người dân mà chính quyền địa phương các cấp vẫn phải buộc áp dụng và thực thi các quy định của pháp luật thì chẳng những đẩy người dân vào thế khó mà ngay cả chính quyền cũng gặp khó khi thực hiện trách nhiệm quản lý của mình. Bởi áp dụng quy định của luật này sẽ vi phạm quy định của Luật khác.

Luật sư Nguyễn Công Giang, Văn phòng Luật sư Dương Tuấn Giang, Đoàn Luật sư tỉnh Thái Nguyên nhận định: "Chính quyền sẽ tự đưa mình vào thế khó, bởi cả 2 luật đều có hiệu lực, không thể áp dụng luật này mà bỏ qua quy định của luật khác, sẽ dẫn đến sai, mà nếu sợ sai sẽ không dám làm, như vậy sẽ làm mất đi hiệu lực quản lý nhà nước. Bản thân Luật Thủy lợi và Luật Đất đai không mâu thuẫn, mà vấn đề là do trước khi triển khai Luật Thủy lợi thì các chính sách về đất đai phải được giải quyết một cách triệt để".

Theo số liệu thống kê, tỉnh Thái Nguyên hiện có 251 hồ chứa nước, trong đó hàng chục hồ lớn với diện tích từ 20 đến hơn 200 ha. Khi Luật Thủy lợi có hiệu lực thì phạm vi bảo vệ lòng hồ của tất cả các hồ thủy lợi trên cả nước đều sẽ có sự thay đổi. Những bất cập nảy sinh từ thực tiễn không chỉ là câu chuyện riêng của Thái Nguyên mà sẽ là vấn đề chung của các địa phương khác. Vấn đề đặt ra ở đây là cần phải thực hiện đồng bộ cơ chế chính sách để câu chuyện “Khổ vì luật” không còn là nỗi lo canh cánh trong lòng của chính quyền và mỗi người dân./.