"Khổ vì luật" Kỳ I: Quy định mới - Bất cập thì vẫn cũ!
Ông Lê Văn Hiệp trao đổi với phóng viên về vấn đề bất cập mà gia đình ông đang trăn trở.

Điểm du lịch cộng đồng của gia đình ông Lê Văn Hiệp, xóm Tân Tiến, xã Bình Sơn, là một trong số hàng trăm công trình của các hộ dân nằm trong phạm vi bảo vệ lòng hồ Gềnh Chè của thành phố Sông Công. Trước đây theo quy định cũ, 1/3 diện tích trong tổng số gần 8.000 mét vuông đất đã được cấp “sổ đỏ” nằm dưới cốt cốt quản lý lòng hồ đã bị hạn chế quyền sử dụng. Nay theo Luật Thủy lợi mới, cao trình quản lý này tiếp tục được nâng lên, điều đó đồng nghĩa với việc hầu hết đất đai của gia đình tiếp tục bị chìm “trên mặt nước”.Theo luật đất đai, ông Hiệp vẫn có đầy đủ quyền sử dụng đất, nhưng Luật Thủy lợi yêu cầu nếu làm thay đổi hiện trạng đất phải được UBND tỉnh cấp phép.

Ông Lê Văn Hiệp, Giám đốc HTX du lịch cộng đồng Ghềnh Chè, xã Bình Sơn, TP Sông Công cho biết: "Gia đình tôi canh tác ở đây nhiều năm đến bây giờ có cơ chế phát triển cho người dân vừa làm nông nghiệp vừa làm du lịch thì lại bị cản trở liên quan đến cao trình của đập, rất nhiều sự cản trở khiến người dân chúng tôi vô cùng khó khăn".

Hồ Ghềnh Chè được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch cộng đồng, đây là điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển du lịch địa phương. Để thu hút khách người dân và các xã viên Hợp tác xã du lịch cộng đồng buộc lòng phải đầu tư cơ sở vật chất, cải tạo, mở rộng không gian. Thế nhưng điều này là bất khả thi bởi những trói buộc liên quan đến Luật Thủy lợi.

Ông Lê Văn Hiệp, Giám đốc HTX du lịch cộng đồng Ghềnh Chè, xã Bình Sơn, TP Sông Công thông tin thêm: "Làm việc gì cũng khó, khi làm việc gì cũng bị cơ quan chức năng đến lập biên bản".

Ông Phan Văn Chính, Bí thư Chi bộ xóm Tân Tiến, xã Bình Sơn, TP Sông Công: "Xung quanh khu vực Hồ Ghềnh Chè có trên 100 hộ dân sinh sống, nếu như thực hiện theo Luật Thuỷ lợi thì cơ bản là bị hạn chế các quyền, người dân chúng tôi rất khó không biết phải làm thế nào để có thể phát triển kinh tế".

Luật Thủy lợi đã khiến người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn.

Theo quy định tại điều 44 của luật Thủy lợi: Không chỉ công trình, nhà cửa, san gạt cải tạo đất mà ngay cả việc những hộ dân nằm trong khu vực thấp hơn cốt nước quản lý lòng hồ muốn nuôi trồng thủy sản lồng bè, thậm chí là trồng cây lâu năm cũng phải được UBND tỉnh cấp phép, điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn ảnh hưởng đến đời sống sinh kế của các hộ dân sống xung quanh các hồ, đập, công trình thủy lợi lớn trên địa bàn.

Ông Nguyễn Quốc Huân, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên thông tin: "Trong quá trình tổ chức thực hiện và quản lý, chúng tôi thấy nhiều bất cập, quá trình canh tác thay đổi cây trồng lại ảnh hưởng đến công trình, chính sách chưa có hỗ trợ đền bù cho người dân về quyền lợi".

Ông Đặng Khắc Diện, Phó Giám đốc Xí nghiệp khai thác Thủy lợi Núi Cốc, Chi cục Thủy lợi tỉnh Thái Nguyên: "Tôi thấy bất cập rất lớn là hiện đang có sự chồng chéo giữa phạm vị bảo vệ theo quy định của Luật Thuỷ lợi và phạm vi đã được cấp quyền sử dụng đất của một số tổ chức, cá nhân vùng ven hồ. Người dân muốn sửa nhà, trồng cây hay cơi nới thì phải có giấy phép do UBND tỉnh cấp, đây cũng là vấn đề khó khăn cho người dân".

Từ thực tế trên có thể thấy, chính quyền và người dân đều gặp khó khi thực hiện các quy định của pháp luật, cụ thể ở đây là luật Thủy lợi và luật Đất đai. Người được Nhà nước giao đất thì hầu như bị hạn chế đi rất nhiều quyền sử dụng của mình, cơ quan quản lý và chính quyền cơ sở thì lùng túng trong việc tiến hành xử lý nếu địa phương có xảy ra vi phạm. Tất cả dường như đang cùng bị “trói buộc” bởi sự chồng chéo về chính sách./.