Luật Thủy lợi có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 nảy sinh nhiều bất cấp cho người dân

Gần cả đời người gắn bó với mảnh đất ven hồ Núi Cốc, ông Báu ở xóm Bẫu Châu, xã Lục Ba, huyện Đài Từ chưa bao giờ từng nghĩ toàn bộ diện tích đất ở và đất canh tác của gia đình mình có nguy cơ bị “chìm xuống lòng hồ” khi cơ quan quản lý Nhà nước thông báo sẽ tiến hành cắm mốc để quản lý cos nước hồ theo Luật Thủy lợi năm 2017. Sinh kế của cả gia đình gắn liền với hơn 1.200 mét vuông đất ở và đất sản xuất đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng đến nay cả khi mốc quản lý nước hồ chưa được chính thức cắm thì những người dân sống ven hồ Núi Cốc như ông Báu cũng bị hạn chế rất nhiều quyền đối với đất đai của mình.

Ông Lục Văn Báu, xóm Bẫu Châu, xã Lục Ba, huyện Đại Từ chia sẻ: "Với quy định mới như này thì gia đình tôi vừa hết đất ở, vừa hết đất canh tác, ảnh hưởng lớn tới sinh kế của gia đình. Và con tôi lập gia đình cũng không tách đất thừa kế sau này cũng chưa biết sẽ ở đâu, đây là nỗi lo của gia đình cũng như các hộ dân trong xóm."

Ông Nguyễn Đình Xuân, Trưởng xóm Bẫu Châu, xã Lục Ba, huyện Đại Từ cho biết: "Trong xóm có 180 hộ thì có tới 150 hộ bị ảnh hưởng. Tự nhiên chúng tôi lại mất quyền sử dụng đất mà trước đây Nhà nước đã cấp cho người dân. Và người dân mong muốn các cấp chính quyền cần đánh giá, xem xét vấn đề này."

Lục Ba là xã chịu ảnh hưởng lớn nhất của huyện Đại Từ khi Luật Thủy Lợi được ban hành và có hiệu lực. Theo thống kê, nếu nâng mốc quản lý cos nước hồ từ 48,25 như trước đây lên cos 50 để quản lý theo luật thì xã sẽ có ít nhất hàng chục nghìn mét vuông đất ở và đất canh tác của người dân sẽ chìm dưới cos nước hồ, trong khi đó theo Luật Đất đai năm 2013, họ vẫn có đủ tất cả các quyền sử dụng đối với đất đai được nhà nước giao.

Ông Trần Đức Tuân, Chủ tịch UBND xã Lục Ba, huyện Đại Từ cho biết: "Ở dưới cos 48,25 thì sẽ không thể giao dịch, cho tặng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Ví dụ như việc vay vốn ngân hàng bằng sổ đỏ thì sẽ không được ngân hàng chấp thuận. Chính điều đó đã ảnh hưởng tới việc quản lý, điều hành gặp nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội địa phương rất nặng nề ".

Một câu chuyện khác, gia đình ông Đặng Văn Hùng tại xóm Khuôn Năm, xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên. Do có nhu cầu cải tạo đất đất để phát triển kinh tế. Ông Hùng đã tiến hành đào hạ thấp cốt nền thửa đất của gia đình đã được cấp giấy CNQSDĐ và gia cố bờ ao. Nhưng việc làm này đã làm thay đổi hiện trạng ban đầu trong phạm vi bảo vệ lòng hồ Núi Cốc, ngay lập tức đơn vị quản lý hồ và UBND xã Phúc Xuân đã tiến hành lập biên bản, đình chỉ hoạt động, hoàn trả hiện trạng ban đầu. Trong khi đó theo Luật đất đai 2013, việc làm này của ông Hùng là hoàn toàn hợp pháp.

Ông Đặng Văn Hùng, xóm Khuôn Năm, xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên chia sẻ: "Dưới cao trình lúc đầu là 42 rồi lên 48 và bây giờ lại lên 50... Chính vì vậy, người dân chúng tôi làm bất cứ việc gì tới đất là đều sai phạm. Không chỉ một mình tôi mà cả vùng này đều bị ảnh hưởng và rất khó khăn trong việc phát triển kinh tế."

Ông Nguyễn Quốc Huân, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Xuân, TP Thái Nguyên cho biết: "Quá trình quản lý, thực hiện cũng gặp nhiều bất cập. Nhân dân có mục đích chuyển đổi hoặc thay đổi mục đích canh tác, chuyển đổi cây trồng thì sẽ ảnh hưởng đến cao trình theo quy định của Luật. Về góc độ quản lý thì gặp nhiều bất cập và trước tình trạng này UBND xã đã có nhiều buổi tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh và cũng đã có văn bản gửi lên các cấp có thẩm quyền."

Hồ Núi Cốc là công trình Đại Thủy nông của tỉnh Thái Nguyên, theo thống kê nếu tính từ cốt 50 theo quy định mới của luật thủy lợi, thì hiện nay có 5 xã thuộc huyện Đại Từ, 2 xã của thành phố Thái Nguyên và 1 xã của thành Phố Phổ Yên có đất đai nằm trong phạm vi bảo vệ lòng hồ. Như vậy sẽ có khoảng 2.200 hộ dân có nhà ở, trên 3.000 hộ dân có đất canh tác với tổng diện tích lên đến gần 100 ha đất bị ảnh hưởng bởi quy định này. Đời sống, sinh kế của hàng nghìn người dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn chưa nói đến những bất cập, chồng chéo trong công tác quản lý bởi trên thực tế khi phát sinh sự việc chính quyền luôn lúng tùng khi không biết phải áp dụng luật nào để xử lý! Luật Thủy lợi hay là Luật đất đai?./.