Khó thu hồi nợ khi triển khai Nghị định 67
Qua 5 năm triển khai Nghị định 67/NĐ-CP (Nghị định 67) của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, tại tỉnh Quảng Nam đã phát sinh những vướng mắc, nhiều tàu cá hoạt động không hiệu quả, việc thu hồi nợ của các ngân hàng thương mại cho vay gặp khó khăn.
Nhiều sự cố
Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã ký hợp đồng tín dụng đối với các ngư dân để cho vay đóng mới, nâng cấp 65 tàu (gồm 63 tàu đóng mới và 2 tàu nâng cấp) với tổng giá trị cam kết cho vay là 729,58 tỷ đồng và đã giải ngân được 719,42 tỷ đồng.
Trong số 63 tàu cá đóng mới (gồm 24 tàu vỏ gỗ, 37 tàu vỏ thép và 2 tàu composite) hiện chỉ có 58 tàu đang hoạt động, 5 tàu còn lại gặp các sự cố như bị chìm đắm ngoài biển, bị cháy hoặc hỏng máy.
Các tàu đóng mới theo Nghị định 67. Ảnh minh họa: Nguyên Lý/TTXVN |
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam, trong số các tàu đóng mới theo Nghị định 67 đang hoạt động, những tàu hành nghề câu mực hoạt động có hiệu quả kinh tế, tàu hành nghề lưới chụp đạt ở mức khá, tàu dịch vụ hậu cần tương đối hiệu quả, tàu nghề lưới vây có hiệu quả ở mức trung bình, còn những tàu hành nghề lưới rê có hiệu quả sản xuất kém (13 chiếc).Cụ thể năm 2017, tàu câu mực mang ký hiệu QNa 91739 của ông Lương Tấn Xị ở xã Tam Giang, huyện Núi Thành bị chìm tàu, không trục vớt được khi đang đi đánh bắt tại Trường Sa; 2 tàu lưới vây QNa 91515 và QNa 91775 bị cháy hoàn toàn khi neo đậu tại bờ ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành. Đầu năm 2019, tàu vỏ thép QNa 95977 của ông Phạm Văn Tư ở xã Bình Dương, huyện Thăng Bình cũng bị cháy tại boong tàu khi đang neo đậu tại Cảng cá Hòn Rớ (tỉnh Khánh Hòa) gây thiệt hại lớn về trang thiết bị đang phải nằm bờ…
Trước thực tế trên, tỉnh Quảng Nam đã đồng ý cho các tàu cá hành nghề lưới rê cải hoán, chuyển đổi sang nghề khai thác lưới chụp và một số nghề khác. Tuy nhiên, mỗi tàu khi đóng mới được thiết kế phù hợp với một nghề khai thác thủy sản trên biển. Việc cải hoán, chuyển đổi liên quan đến nhiều thủ tục pháp lý, đặc biệt là nguồn vốn để mua sắm máy móc và ngư lưới cụ mới rất tốn kém.
Trước đây, tàu cá vỏ thép QNa 92345 của ngư dân Lê Tiến (ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành) hành nghề lưới rê nhưng không hiệu quả. Không muốn tàu mới đóng phải “nằm bờ”, ngư dân Lê Tiến đã xin cải hoán tàu sang nghề lưới chụp. Từ số tiền bán ngư lưới cụ của nghề cũ cộng với nguồn vốn vay từ bên ngoài, cuối năm 2018, ông Tiến hoàn thành việc cải hoán tàu với tổng kinh phí lên tới 4 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2019 đến nay, qua 2 chuyến biển với nghề mới, tàu QNa 92345 thu được 3 tấn mực xà khô, tuy nhiên gặp đúng thời điểm giá mực hạ thấp nên chỉ đủ hòa vốn. Trước đó, tàu vỏ thép QNa 92345 được đóng mới theo Nghị định 67 với tổng giá trị 16 tỷ đồng; trong đó ngân hàng cho vay 14,6 tỷ đồng. Hiện tại, ông Tiến mới trả được gần 490 triệu đồng tiền gốc và lãi vay cho ngân hàng.
Ngân hàng khó thu hồi nợ
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Quảng Nam, tính đến ngày 30/6/2019 doanh số thu nợ lũy kế của chương trình cho vay theo Nghị định 67 của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đạt 44,28 tỷ đồng. Tuy nhiên, số nợ xấu đã tăng lên gần 200,39 tỷ đồng, chiếm khoảng 50% tổng số nợ xấu của các ngân hàng thương mại của tỉnh Quảng Nam ở thời điểm hiện nay.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến các ngân hàng khó thu hồi nợ từ các chủ tàu vay vốn theo Nghị định 67 như các tàu cá đi khai thác đạt sản lượng ít bị lỗ hoặc hòa vốn, lựa chọn ngành nghề khai thác không phù hợp, máy móc trên tàu thường xuyên hư hỏng phải tốn chi phí duy tu, sửa chữa… Ngoài ra, cũng có nhiều chủ tàu chây ỳ nghĩa vụ trả nợ vì cho rằng nguồn vốn này của Nhà nước hỗ trợ cho ngư dân.
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Quảng Nam đến nay đã giải ngân cho vay gần 200 tỷ đồng, đối với 16 dự án đóng tàu mới theo Nghị định 67. Tuy nhiên tình hình thu hồi nợ của đơn vị hiện nay gặp nhiều khó khăn, trung bình mỗi năm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Quảng Nam chỉ thu được từ 3-4 tỷ đồng tiền gốc và lãi vay từ các chủ tàu. Hiện tại, có 4 tàu nằm trong chương trình cho vay của ngân hàng này đang phải nằm bờ vì thiếu lao động đi biển, trong khi chất lượng tàu vỏ thép ngày càng xuống cấp, chủ tàu không đủ điều kiện trả vốn cho ngân hàng.
Bà Vũ Thị Tố Nga, Phó giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Quảng Nam cho biết, tổng dư nợ cho ngư dân vay để đóng tàu theo Nghị định 67 tại thời điểm hiện tại của chi nhánh đều thuộc diện nợ xấu. Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp để thu hồi nợ nhưng không đạt được kết quả và đang làm thủ tục để khởi kiện ra tòa một số trường hợp chủ tàu cá không hoàn thành nghĩa vụ trả nợ.
Theo Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Quảng Nam Trần Quang Hổ, nguồn thu nợ của các ngân hàng đối với các chủ "tàu 67" chủ yếu từ tiền hỗ trợ nhiên liệu của Nhà nước. Khó khăn nhất hiện nay đối với các ngân hàng là quản lý dòng tiền bán thủy sản của ngư dân sau mỗi chuyến đi biển.
Hiện nay, việc kê khai hiệu quả sản xuất là do chủ tàu tự khai, các ngân hàng không có cơ sở để xác minh. Các địa phương của tỉnh Quảng Nam có tàu đóng mới theo Nghị định 67 cũng đã thành lập Tổ thu hồi nợ nhưng chủ yếu mới chỉ dừng lại ở biện pháp vận động, đôn đốc là chính nên hiệu quả đạt được thấp.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Quảng Nam, thời gian tới, việc thu hồi nợ đối với các chủ "tàu 67" trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Các ngân hàng cho vay có thể sẽ phải tiến hành khởi kiện ra tòa một số trường hợp chủ tàu cố tình chây ỳ không chấp hành nghĩa vụ trả nợ. Đơn vị cũng đã kiến nghị với các Bộ, ngành ở Trung ương có giải pháp hỗ trợ ngân hàng quản lý lịch trình nhật ký khai thác của ngư dân, qua đó nhằm kiểm soát dòng tiền thu hồi nợ; bổ sung chính sách nâng mức hỗ trợ ngư dân mua bảo hiểm thân tàu cũng như duy tu, bảo dưỡng những tàu vỏ thép…/.