Chủ cơ sở đóng mới tàu cá mong muốn được giám sát chất lượng
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt 35 dự án đủ điều kiện đăng ký vay vốn tín dụng để đóng mới, nâng cấp tàu cá, với tổng dự toán trên 382 tỷ đồng.
Trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã có 23 tàu cá được đóng mới và 2 tàu cá nâng cấp đưa vào hoạt động, 10 tàu cá đang trong giai đoạn thi công, dự kiến đến cuối năm 2017 sẽ hoàn thành, trong đó, có 18 tàu vỏ composite, 16 tàu vỏ gỗ bọc composite và 1 tàu vỏ sắt. Đặc biệt, số tàu cá đóng mới có công suất từ 800 – 1007CV chiếm gần 90%.
Một cơ sở đóng mới tàu cá vỏ gỗ. (Ảnh minh họa: Internet) |
Hiện nay, ngày càng có nhiều ngư dân tham gia đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ, vì vậy ngoài việc trang bị máy móc hiện đại, xây dựng đội ngũ thợ đóng tàu có tay nghề cao, các cơ sở đóng tàu địa phương đã chủ động nhập nguyên liệu gỗ đặc chủng từ nước ngoài. Vì chất lượng gỗ và độ khô của gỗ là yếu tố chủ đạo ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thân tàu.
Ông Cao Thanh Tùng, Chủ Cơ sở đóng tàu Đại Thịnh, xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận cho biết, khi cơ sở có hợp đồng đóng mới tàu cá cho ngư dân sẽ phải chuẩn bị chắc chắn về nguồn gỗ.
“Nguồn gỗ nguyên liệu đóng tàu tại cơ sở rất dồi dào vì được nhập khẩu từ nước ngoài. Cơ sở cũng đã phối hợp với các ngành chức năng, các chủ tàu phải được trực tiếp giám sát quy trình đóng và hoàn thiện tàu”, ông Tùng cho biết./.
CTV Hữu Tầm-Văn Cảnh/VOV-TP HCM