Ngư dân đảo Phú Quý đóng “tàu 67” đã có lãi trả ngân hàng
Huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận hiện có nhiều ngư dân đăng ký vay vốn hỗ trợ đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ. Sau khi được giải ngân, ngư dân địa phương đã phát huy nguồn vốn, sử dụng đúng mục đích và trả lãi theo đúng quy định của nhà nước.
Anh Nguyễn Hoàng Oanh là một trong số 127 ngư dân ở huyện đảo Phú Quý được chấp thuận vay vốn đóng tàu mới theo Nghị định 67. Đầu năm 2016, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Phú Quý đã giải ngân cho anh 6,8 tỷ đồng.
Nhờ làm ăn hiệu quả, ông Nguyễn Văn Sáu, xã Ngũ Phụng đã trả lãi đúng hạn cho Agribank huyện Phú Quý. |
Cùng với vốn tự có, anh đóng con tàu vỏ gỗ công suất 500 CV làm nghề mành chụp với tổng kinh phí 9,8 tỷ đồng. Hoàn thành vào tháng 6/2016, anh Oanh đi được 4 chuyến, trừ chi phí thu về hơn 800 triệu đồng. Số tiền lớn có được sau những chuyến biển đầu tiên nhờ con "tàu 67" là điều tưởng chừng như mơ.
“Có chính sách hỗ trợ vay vốn 67, gia đình mạnh dạn vay để đóng tàu lớn vươn khơi đánh bắt đạt hiệu quả hơn. Từ tháng 6 đến giờ khai thác được 4 chuyến thấy ngành nghề mới này cũng mang lại hiệu quả cao”, anh Oanh cho biết.
Hàng xóm của anh Oanh là anh Nguyễn Hải Hồ Phương, ở thôn Triều Dương, xã Tam Thanh cũng nằm trong diện được vay vốn 67 đóng tàu mới. Anh Phương hạ thủy tàu vào tháng 8/2016, sau 2 chuyến biển trúng đậm, bán hải sản được gần 1 tỷ đồng.
“Sau mấy chuyến biển trừ chi phí vẫn còn dư khoảng 800 triệu đồng. Chia cho công nhân mỗi người được 35 triệu/2 tháng còn lại mình tiếp tục đầu tư những hạng mục còn thiếu cho tàu. Sau đấy còn phải tích lũy để những năm sau phải trả và gốc cho nhà nước”, anh Phương vui vẻ cho biết.
Cũng nhờ vay 3,4 tỷ đồng để đóng con tàu 405 CV, ông Nguyễn Văn Sáu, ở xã Ngũ Phụng đi thu mua hải sản ở vùng biển xa đạt hiệu quả cao. Sau 1 năm đưa vào khai thác, kể từ tháng 8/2016, ông bắt đầu trả lãi cho ngân hàng mỗi tháng gần 9 triệu đồng.
“Chúng tôi đã vay vốn theo Nghị định 67 phải làm có uy tín và hiệu quả để trải lại vốn cho nhà nước và lo cho cuộc sống gia đình”, ông Sáu vừa trả lãi xong tháng thứ 5 tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đảo Phú Quý cho biết.
Theo ông Trần Văn Cường, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Quý, hầu hết ngư dân vay vốn theo Nghị định 67 đều thực hiện đúng cam kết với ngân hàng. Vì vậy, ngân hàng Phú Quý sẽ tiếp tục xem xét đề xuất Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận phê duyệt cấp vốn cho các trường hợp tiếp theo.
Đến nay, huyện đảo Phú Quý có 127 hồ sơ được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt danh sách đóng mới tàu theo Nghị định 67. Trong đó 58 chiếc đã được giải ngân với tổng số tiền hơn 366 tỷ đồng. Các tàu sau khi hạ thủy, đi hoạt động ở các vùng biển xa với các nghề chủ yếu như: câu, mành chụp, lưới vây, nghề câu kiêm dịch vụ thu mua xa bờ...
“Các tàu hạ thủy trong năm qua đã đưa vào hoạt động và phát huy hiệu quả tốt. Các chủ tàu đã trả gốc và lãi kịp tiến độ. Thời gian tới, Ngân hàng Nông nghiệp huyện Phú Quý tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn vay cho ngư dân để phát triển đội tàu công suất lớn vươn khơi xa, bám biển dài ngày, nhằm phục vụ phát triển kinh tế cho huyện đảo”, ông Cường cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý, những năm trước, với nguồn vốn tự có và vay ngân hàng thương mại rất khó khăn, ngư dân không được vay nhiều, không có nhiều tiền để đầu tư đóng tàu lớn đi xa.
Từ khi có Nghị định 67, bà con ngư dân rất phấn khởi và tham gia, qua đó sản lượng khai thác ngày càng tăng lên và thu nhập của ngư dân cũng cao hơn nhiều.
Sau Tết, những con "tàu 67" của đảo Phú Quý sẽ tiếp tục vươn khơi, đánh bắt xa bờ, góp phần phát triển kinh tế địa phương, đồng thời bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.