Luôn được đánh giá là một trong những giáo viên trẻ năng lực nhiệt huyết thế nhưng ít ai biết rằng cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh hiện đang công tác tại Trường mầm non phường Đắc Sơn, thành phố Phổ Yên vẫn chỉ là một giáo viên hợp đồng thuê khoán với mức lương hạn hẹp.

Cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh tâm sự: “Đôi khi cũng nghĩ là mình đi làm được những đồng lương ít ỏi không đủ trang trải cuộc sống, cũng thấy chạnh lòng nhưng mà do yêu nghề mến trẻ nên là tôi cũng luôn luôn tự động viên bản thân là sẽ gắn bó với nghề”.

Khi nghị quyết song hành cùng thực tiễn
Tinh giảm biên chế cùng 5 năm dừng tuyển dụng và thực tế học sinh tăng cơ học do tăng dân số đã khiến nhân lực ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh đứng trước sự thiếu hụt lớn

Câu chuyện riêng của cô giáo Quỳnh cũng là nỗi lòng chung của gần 20.000 giáo viên hợp đồng thuê khoán sau khi ngành giáo dục và đào tạo thực hiện tinh giản bộ máy theo tinh thần nghị quyết Trung ương 6 khóa 12 vào đầu năm 2018. Trong khi đó áp lực tinh giảm biên chế cùng 5 năm dừng tuyển dụng và thực tế tăng cơ học do học sinh do tăng dân số đã khiến cho bài toán nhân lực ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh đứng trước sự thiếu hụt lớn. Bởi vậy khi Hội đồng nhân dân tỉnh Thông qua nghị quyết giao bổ sung trên 1.100 biên chế sự nghiệp giáo dục năm học 2022-2023 niềm vui lớn đã đến với hàng nghìn giáo viên hợp đồng thuê khoán.

Cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh, Trường mầm non phường Đắc Sơn, thành phố Phổ Yên: “Khi nghị quyết được thông qua thì những người giáo viên thuê khoán như chúng tôi rất là vui mừng phấn khởi và luôn nỗ lực ôn tập để thi đạt được kết quả cao ở kỳ thi này”.

Bà Nguyễn Thị Lượng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP Phổ Yên cho biết: Đây là sự cụ thể hóa các chủ trương của Nhà nước, có tính chất cấp thiết, kịp thời giúp cho ngành Giáo dục Đào tạo Phổ Yên giảm đi rất nhiều tình trạng quá tải, đặc biệt là đem lại niềm vui hân hoan cho những giáo viên đã có nhiều năm dạy bằng định mức khoán nay có cơ hội để có điều kiện, có thời gian yên tâm với công việc”.

Khi nghị quyết song hành cùng thực tiễn
Kỳ họp thứ 12 - Kỳ họp chuyên đề Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa XIV
Khi nghị quyết song hành cùng thực tiễn

Mới đây nhất, tại kỳ họp thứ 12 - Kỳ họp chuyên đề Hội đồng nhân dân tỉnh vừa qua, nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đầu tư nhà văn hóa, khu thể thao xóm, tổ dân phố giai đoạn 2023-2025 được ban hành đã nhận được sự quan tâm đánh giá cao của cử tri và nhân dân trên địa bàn với mức hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên từ 250 đến 500 triệu đồng trên một công trình xây mới; từ 150 đến 300 triệu đồng trên một công trình sửa chữa và 50 triệu đồng trên nhà văn hóa, khu thể thao mua sắm trang thiết bị. Nghị quyết này được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ những bất cập sau khi thực hiện sáp nhập xóm, tổ dân phố, đồng thời nâng cao đời sống văn hóa tinh thần ở cơ sở.

Ông Phạm Hoàng Hùng, Bí thư Chi bộ xóm Nam Thái, xã Tân Cương, TP Thái Nguyên cho biết: “Nhân dân, cán bộ rất phấn khởi, rất mong Nghị quyết của Hội đồng nhân tỉnh đi vào cuộc sống để đảm bảo được nhu cầu sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư nói chung và của nhân dân xóm Nam Thái chúng tôi nói riêng”.

Ông Phạm Quang Linh, Chủ tịch HĐND huyện Đồng Hỷ cho biết: “Cần rất nhiều nguồn lực mà việc đối ứng của nhân dân để làm nhà văn hóa cũng như là xây dựng các cơ sở hạ tầng khác còn hết sức khó khăn, cho nên việc Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Nghị quyết này là hết sức cần thiết và giúp cho các địa phương trong đóĐồng Hỷ để hoàn thiện các cái tiêu chí nhà văn hóa để về đích nông thôn mới”.

Có thể khẳng định gần 250 Nghị quyết được Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay đều đảm bảo chất lượng đúng quy định của pháp luật sát thực tiễn và có tính khả thi cao. Ngoài minh chứng ở trên còn có thể kể đến là các nghị quyết như quy định chế độ bồi dưỡng cho người làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19; nâng mức hỗ trợ đối với cán bộ không chuyên trách ở cơ sở; quy định hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng xây dựng nông thôn mới; hoàn thiện các tiêu chí đô thị; các nghị quyết chuyên đề về giám sát kết quả giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri. Cùng với đó việc sửa đổi bổ sung điều chỉnh các nghị quyết đang có hiệu lực thi hành cũng được thực hiện kịp thời nhằm đảm bảo nguyên tắc phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa phương./.