Vấn đề Iran

Tại Hội nghị An ninh Munich vừa diễn ra tại Đức, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã kêu gọi các nước châu Âu nỗ lực hơn để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận. Nhiều ý kiến cho rằng với Iran, những biện pháp mà các nước châu Âu đưa ra chưa đủ để đảm bảo các lợi ích cho Iran khi phải chống lại các biện pháp trừng phạt từ Mỹ.

hoi nghi munich my chau au tiep tuc bat dong ve cac van de an ninh
Ngoại trưởng Iran Zarif. Ảnh: DW.

Sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và đưa ra 2 gói trừng phạt kinh tế cứng rắn nhất từ trước đến nay đối với Iran hồi tháng 8 và tháng 11/2018, các nước châu Âu vẫn cam kết duy trì thỏa thuận để đảm bảo lợi ích kinh tế và an ninh.

Cuối tháng 1 vừa qua, dù còn nhiều bất đồng trong nội bộ liên quan tới Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) nhưng Anh, Pháp, Đức đã ban hành một tuyên bố chung về cơ chế thanh toán phi USD trực tiếp. Cơ chế này nhằm bảo vệ các mối quan hệ thương mại giữa EU với Iran khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và áp đặt các biện pháp trừng phạt với Iran.

Trước đó, cũng như tại hội nghị an ninh Munich, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bảo vệ mạnh mẽ quyết định duy trì thỏa thuận hạt nhân của các cường quốc châu Âu với Iran trước sự chỉ trích của Mỹ về thỏa thuận này. Người đứng đầu Ủy ban chính sách và đối ngoại của EU Federica Mogherini cũng bảo vệ thỏa thuận và nói rằng khối sẽ làm bất cứ điều gì có thể để giữ cho thỏa thuận tồn tại. EU cam kết với thỏa thuận hạt nhân lịch sử và hoan nghênh Iran tuân thủ các nghĩa vụ liên quan đến hạt nhân.

Tuy nhiên, Iran cho rằng những nỗ lực của châu Âu để giữ thỏa thuận hạt nhân đang thất bại trong khi ngày càng có nhiều sự ủng hộ của người dân Iran để khởi động lại chương trình nguyên tử. Tại Hội nghị An ninh ở Munich (Đức), Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif đã đánh giá cao các động thái chính trị mà châu Âu đã làm nhưng cho rằng chưa đủ, nhất là các giải pháp kinh tế. Iran cho rằng các giải pháp kinh tế mà EU đưa ra quá muộn, đáng lẽ nó phải được thực hiện trong vòng vài tuần sau khi Mỹ rút lui và áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế với nước này. Ông Zarif cho biết cơ chế thương mại châu Âu với Iran hoạt động không tốt và nhấn mạnh Đức, Pháp và Anh phải làm nhiều hơn để thể hiện cam kết của họ đồng thời nên sẵn sàng chấp nhận rủi ro trước chủ nghĩa đơn phương nguy hiểm của Mỹ. Ông Zarif nói Iran cam kết theo thỏa thuận hạt nhân nhưng sự kiên nhẫn bị hạn chế.

Thỏa thuận hạt nhân vẫn duy trì

Iran từ trước tới nay vẫn luôn thể hiện lập trường cứng rắn và tuyên bố “ở lại thỏa thỏa thuận hạt nhân không phải là lựa chọn duy nhất” đã nhiều lần được đưa ra. Trước sức ép của Mỹ đối với Iran và cả các nước EU, việc Iran đưa ra tuyên bố nhằm tái khẳng định lập trường quan điểm của nước này trong vấn đề hạt nhân. Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif cho biết việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, được ký kết năm 2015 với các cường quốc thế giới, là một lựa chọn cho Tehran, nhưng đó không phải là lựa chọn duy nhất trên bàn.

Xét trong bối cảnh tình hình kinh tế, xã hội Iran hiện nay cũng như tình hình khu vực và trước sức ép từ của Mỹ cùng các lệnh trừng phạt, chính quyền Iran chắc chắn vẫn muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân năm 2015 hơn là rút lui khỏi thỏa thuận này. Theo đó, Iran vừa có thể phát triển kinh tế, thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư với các đối tác EU để góp phần ổn định an ninh, chính trị và xã hội đất nước trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, vừa tiếp tục đảm bảo an ninh, tăng cường phòng thủ trước mối đe dọa của Mỹ và đồng minh của Mỹ ở Trung Đông. Ngay cả EU cũng muốn duy trì thỏa thuận này để tránh những tổn thất kinh tế, đồng thời vẫn đảm bảo an ninh và tránh không phổ biến hạt nhân trên toàn cầu. EU không muốn những hệ lụy này ảnh hưởng tới an ninh của riêng mình. Do đó, trong ngắn hạn, thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và EU vẫn duy trì và các bên tiếp tục đàm phán, gây sức ép lẫn nhau để cân bằng lợi ích trước sức ép từ Mỹ.

Sự chia rẽ giữa Mỹ và châu Âu

Không chỉ tại hội nghị này mà ngay tại hội nghị hòa bình Trung Đông ở Ba Lan vừa qua, nội dung chính được Mỹ đề cập chính là mối quan ngại về Iran. Mỹ cáo buộc ba đồng minh NATO là Anh, Pháp, Đức đang cố gắng phá vỡ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và kêu gọi ba nước này rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Washington cho rằng việc duy trì thỏa thuận này chỉ trì hoãn khả năng sản xuất bom hạt nhân của Iran.

Tuy nhiên, tới thời điểm này EU vẫn cam kết duy trì thỏa thuận hạt nhân lịch sử và hoan nghênh Iran tuân thủ các nghĩa vụ liên quan đến hạt nhân qua hơn một chục cuộc kiểm tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế. Bên cạnh đó, EU đang có kế hoạch phê duyệt một "giải pháp đặc biệt" nhằm giúp các công ty châu Âu tiếp tục làm ăn với Iran và phá vỡ các lệnh trừng phạt mà Mỹ đơn phương áp đặt với Tehran năm ngoái. Tuyên bố cuối cùng sẽ được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU vào tháng 3.

Trong khi Mỹ đưa ra cảnh báo phủ đầu cho Iran về việc tiến hành phóng ba tên lửa vào không gian mà họ cho rằng đã vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vì nước này sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo. EU đã bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về việc Iran bắn tên lửa đạn đạo và thử nghiệm tên lửa, kêu gọi Tehran kiềm chế tham gia vào các hoạt động làm gây bất ổn cho khu vực.

Liên quan tới vấn đề an ninh, Mỹ và châu Âu cũng đang có những bất đồng về một loạt các vấn đề khác khi Mỹ chỉ trích Đức và các đồng minh khác đang trốn tránh nghĩa vụ NATO khi không chi tiêu đủ cho ngân sách quốc phòng. Trong khi đó châu Âu lo ngại về thuế quan mới do Mỹ áp đặt cũng như quyết định rút khỏi hiệp định biến đổi khí hậu Paris. Châu Âu gần đây đã có lập trường mạnh mẽ hơn. Trước sức ép của Mỹ, EU cho rằng an ninh không chỉ được đo lường trong việc tăng ngân sách quốc phòng./.