Trăm năm trồng người

Về “lợi ích trăm năm”, Người đã từng viết: “Một dân tộc yếu là một dân tộc dốt”.

Đây là một nhận định càng ngày càng đúng đắn, nhất là với sự phát triển của khoa học hiện nay. Một dân tộc có tri thức chắc chắn không thể là một dân tộc yếu trong tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế, quân sự và bàn đàm phán ngoại giao… và ngược lại.

ho chu tich voi su nghiep trong nguoi trong cay

Trồng cây - Trồng người, đó là hai sự nghiệp cao cả trong cuộc đời của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Không chỉ chú trọng giáo dục về tri thức, Hồ Chủ tịch luôn quan tâm giáo dục tác phong, đạo đức của mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là với các cháu thiếu niên, nhi đồng.

Bài báo cuối cùng của Người đăng trên báo Nhân dân là vào ngày 1/6/1969, bài “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng”, trong đó Người viết:

“Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải kiên trì, bền bỉ. Trong thời gian tới và trong dịp hè này, cần phải đẩy mạnh công tác thiếu niên, nhi đồng đạt nhiều kết quả tốt và thiết thực.

Trước hết, các gia đình (tức là ông bà, cha mẹ, anh chị) phải làm thật tốt công việc ấy. Các đảng ủy đường phố và hợp tác xã phải phụ trách chỉ đạo thiết thực, thường xuyên. Ủy ban thiếu niên, nhi đồng, Đoàn Thanh niên, ngành giáo dục và các ngành, các đoàn thể cần phải có kế hoạch chăm sóc, giáo dục các cháu ngày càng khỏe mạnh và tiến bộ. Các Tỉnh ủy, Thành ủy cần phải phụ trách đôn đốc việc này cho có kết quả tốt.

Vì tương lai con em chúng ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”.

Một điều rất đáng lưu ý, ngay từ ngày đầu giành độc lập, tại Sắc lệnh số 01 của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chủ tịch ký đã đặt ra ba mối quan tâm hàng đầu. Đó là diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm.

Trước khi mãi mãi đi xa, trong Di chúc của mình, Người viết: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Mười năm trồng cây

Trong lĩnh vực “mười năm trồng cây”, có lẽ hiếm có một dân tộc nào có một cái Tết độc đáo như ở Việt Nam. Đó là Tết trồng cây do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. “Mùa xuân là Tết trồng cây - Để cho đất nước càng ngày càng xuân”. Lời kêu gọi của Người đã được đông đảo nhân dân cả nước đồng lòng hưởng ứng. Kể từ đó, Tết trồng cây ngày càng phát triển, tạo nên một nét đẹp truyền thống trong văn hóa Việt Nam.

Cái cây được Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng đầu tiên mở đầu cho Tết trồng cây là cây đa tại Công viên Thống Nhất. Ngày 11/1/1960, Hồ Chủ tịch đã đến thăm công trường và tại đây, Người tự tay đặt cây đa vào hốc rồi xúc đất vun gốc trong tiếng hò reo của đông đảo nhân dân Thủ đô Hà Nội. Hiện cây đa này vẫn rất xanh tốt, ngày ngày tỏa bóng mát cho cả một góc công viên.

Năm 1965, Mỹ rải chất độc da cam tàn phá những cánh rừng ở miền Nam, Hồ Chủ tịch đã ra lời kêu gọi cả nước trồng cây cho cả đồng bào miền Nam ruột thịt. Người nói: “... Trong lúc giặc dã man rải chất độc màu da cam phá hoại cây cối núi rừng miền Nam, thì ở miền Bắc nhân dân ta thi đua trồng cây gây rừng... Ta trồng cây cho ta và cho cả đồng bào miền Nam nữa”. Và cũng chính tay Người đã trồng cây đa tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh vào sáng ngày 31/1/1965.

Cái cây cuối cùng được Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng tại xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây, một địa phương có phong trào trồng cây tốt. Khi đó, tuy sức khỏe đã yếu nhưng Người vẫn nói: “Đây là dịp kỷ niệm 10 năm ngày phát động Tết trồng cây nên các chú phải bố trí cho Bác trồng cây ở một địa phương nào đó có nhiều thành tích...”

Khi thế hệ chúng tôi lớn lên, Tết trồng cây đã trở thành một phong tục quí báu. Vào buổi sáng ngày mùng 4 tết, dù bận đến đâu thì hầu như cả làng tôi đều tham gia ngày Tết trồng cây. Lũ trẻ chúng tôi hăm hở từ chiều mùng ba Tết để chọn những cái cây đẹp nhất cho buổi sáng ngày hôm sau.

Từ khi Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh leo thang ra miền Bắc, lớp lớp thanh niên làng tôi lại hăng hái lên đường nhập ngũ. Do ngày giao quân cũng vào ngày mùng 4 Tết nên trước phút lên đường nhập ngũ, mỗi thanh niên làng tôi đều tự tay mình trồng một cái cây để lại quê hương.

Người xưa dạy rằng, trong đời người có 3 việc nên làm. Đó là trồng cây, sinh con và viết sách. Viết sách thì không phải ai cũng viết được nhưng trồng một cái cây thì ai ai cũng nên làm để lại cho cháu con.

Khi phong tặng Người danh hiệu Danh nhân Văn hóa thế giới, thì việc phát động Tết trồng cây là một trong những lý do Người được thế giới tôn vinh bởi cho đến thời điểm đó (1959), nhân loại hầu như còn rất thờ ơ, chưa quan tâm đến môi trường.

59 năm đã trôi qua kể từ Tết trồng cây đầu tiên và 49 năm Người đi xa nhưng tinh thần của Người vẫn còn sống mãi, Tết trồng cây sẽ trường tồn với dân tộc Việt Nam.

“Mùa xuân là Tết trồng cây - Để cho đất nước càng ngày càng xuân” đã trở thành phương thức và lý tưởng sống của lớp lớp thanh niên Việt Nam để Tổ quốc Việt Nam mãi mãi là mùa xuân.

Trồng cây - Trồng người, đó là hai sự nghiệp cao cả trong cuộc đời của lãnh tụ Hồ Chí Minh.