Hiệu quả từ công tác quản lý nhà nước trong khai thác đất tại huyện Phú Bình
Mỏ đất Núi Hiếu, Núi Lầm thuộc xã Điềm Thụy được chính thức cấp phép khai thác từ ngày 8/3/2019 cho Công ty Cổ phần Leadertec |
Mỏ đất Núi Hiếu, Núi Lầm thuộc xã Điềm Thụy được chính thức cấp phép khai thác từ ngày 8/3/2019 cho Công ty Cổ phần Leadertec. Mỏ có diện tích 8ha với thời hạn cấp phép 3 năm. Hiện, công ty này đang khai thác với công suất trung bình mỗi ngày 700m3, sản phẩm đất của công ty cung cấp cho nhiều dự án trong và ngoài tỉnh. Được biết, đây là 1 trong 3 mỏ đất trên địa bàn được cấp phép. Theo đại diện Công ty này cho biết: những năm trước, tình trạng khai thác đất trái phép xuất hiện rầm rộ trên địa bàn huyện đã gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động của đơn vị. Cụ thể: các điểm mỏ hoạt động không phép làm ăn chụp giật, cạnh tranh không lành mạnh và quan trọng việc khai thác lậu này trốn thuế nhà nước, không phải thực hiện các thủ tục cấp phép, nên giá bán rẻ bằng 2/3 giá của các đơn vị được cấp phép. Từ khi huyện Phú Bình tăng cường công tác quản lý, hạn chế được nạn khai thác đất lậu, các đơn vị được cấp phép yên tâm hoạt động, tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường và tuân thủ các quy định về khai thác khoáng sản.
Ông Nguyễn Viết Định, cán bộ quản lý mỏ Núi Hiếu, Núi Lầm, Công ty Cổ phần Leadertec cho biết: "Mỏ được cấp phép, hồ sơ đầy đủ, chấp hành các quy định của Nhà nước, của Luật Khoáng sản; chúng tôi tổ chức làm đầy đủ các thủ tục về bảo vệ môi trường, xe ra khỏi mỏ được phủ bạt, đảm bảo an toàn lao động".
Thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình trước đây cũng là địa phương có nhiều điểm khai thác đất trái phép, đặc biệt là ở 2 xóm Quyết Tiến 2 và xóm Thi Đua. Theo lãnh đạo UBND thị trấn cho biết: trong thời gian đó, tình hình diễn ra rất phức tạp, xuất hiện tình trạng khai thác đêm, vận chuyển đất bán ra tỉnh ngoài làm mất an ninh trật tự, mất an toàn giao thông, hư hại công trình giao thông... Lực lượng của xã mỏng, chức năng bị hạn chế nên gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý và xử lý. Từ khi có lực lượng công an chính quy về xã cộng với chỉ đạo sát sao của UBND huyện, đặc biệt là việc tổ chức kí cam kết về trách nhiệm trong quản lý hoạt động tài nguyên khoáng sản giữa Chủ tịch UBND các xã, thị trấn với Chủ tịch UBND huyện theo quy định của pháp luật thì tình hình có sự thay đổi rõ nét.
Ông Dương Thế Hưng, Chủ tịch UBND thị trấn Hương Sơn cho hay: "Với tình trạng khai thác trái phép diễn ra, đối với thị trấn Hương Sơn, sau khi có chỉ đạo của tỉnh, của UBND huyện, đặc biệt là sự vào cuộc của lực lượng công an cũng như lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng công an tham gia truy quét, nghiêm cấm được khai thác các mỏ trên địa bàn, đến nay, tình trạng khai thác trái phép cũng dừng hẳn, không có trường hợp nào cố tình khai thác trái phép trên địa bàn".
Việc UBND huyện Phú Bình thành lập và kiện toàn các tổ công tác chuyên ngành có chức năng kiểm tra, tuần tra và xử lý các hoạt động khai thác đất san lấp trên địa bàn đã có tác động tích cực. Theo thống kê, từ đầu năm 2020 đến nay, huyện đã xử phạt 2 trường hợp vi phạm trên địa bàn xã Úc Kì và Điềm Thụy, xử phạt hành chính 55 triệu đồng. Lực lượng công an huyện đã kiểm tra, lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính với 24 trường hợp, với tổng số tiền phạt là 68 triệu đồng. Đặc biệt, trong tháng 8/2020, huyện đã kiểm tra, phát hiện và lập hồ sơ, đề nghị UBND tỉnh xử phạt 2 trường hợp khai thác đất san lấp trái phép trên địa bàn xã Điềm Thụy và đề nghị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm có giá trị gần 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những kết quả bước đầu và việc thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác đất trái phép trên địa bàn huyện Phú Bình còn gặp phải những khó khăn nhất định.
Trao đổi về vấn đề này, ông Dương Ngọc Yên, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Bình thông tin: "Đối với đất san lấp hiện nay, theo Luật Khoáng sản quy định: đất san lấp là khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường; quy trình cấp phép mỏ đất còn dài, chung quy trình với cấp phép mỏ kim loại; vì vậy, khó khăn trong quy trình cấp phép mỏ đất. Cùng với đó, khó khăn trong việc giao đất, cho thuê đất đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp được cấp phép, quy định phải thỏa thuận để chuyển nhượng; người dân chỉ chuyển nhượng khoáng sản, không chuyển nhượng đất, vì vậy, khó khăn trong thủ tục. Ngoài ra, Phú Bình có rất nhiều diện tích đất đồi vườn nhỏ lẻ, không đủ điều kiện để quy hoạch, cấp phép; trong khi việc khai thác, sử dụng cho nhu cầu dân sinh, nhà ở, xây dựng nông thôn mới của địa phương dẫn đến nhu cầu đất san lấp là rất nhiều".
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình |
Những khó khăn trong công tác quản lý nhà nước trong khai thác đất san lấp này đang là tình trạng chung ở nhiều địa phương của tỉnh Thái Nguyên chứ không chỉ riêng huyện Phú Bình. Kết quả mà huyện Phú Bình đạt được thời gian vừa qua mới chỉ là bước đầu. Trong thời gian tới, UBND huyện và các xã, thị trấn trong huyện còn cần phải nỗ lực hơn nữa.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình nhấn mạnh: "Trong thời gian tới, để quản lý chặt chẽ, địa phương sẽ chỉ đạo và đã tổ chức họp với các xã, đặc biệt những xã có mỏ đất để yêu cầu thực hiện cơ chế thành lập đội liên ngành gồm: Chủ tịch UBND xã, Công an chính quy xã và các cán bộ quản lý đất đai môi trường của xã; trước hết, địa bàn các xã phải quản lý, trường hợp vướng mắc, không xử lý được báo cáo đội kiểm tra liên ngành của huyện túc trực thường xuyên xử lý điểm nóng".
Để quản lý được lĩnh vực này cần có sự quan tâm vào cuộc của UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng trong thực hiện các thủ tục và quản lý giám sát hoạt động khai thác của các đơn vị doanh nghiệp, ngoài ra, cần có chính sách đặc thù để hướng dẫn địa phương thực hiện khai thác tận thu nguồn đất tại các khu đồi núi nhỏ lẻ, trữ lượng ít, không đủ điều kiện cấp phép nhằm phục vụ nhu cầu có thật của nhân dân để sản xuất nông nghiệp và thực hiện xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng chỉ đạo đội kiểm tra liên ngành khoáng sản của tỉnh tăng cường công tác kiểm tra xử lý các vụ vi phạm, các trường hợp vượt quá thẩm quyền xử lý của cấp huyện. Có như vậy, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khai thác khoáng sản mà chủ yếu là đất san lấp mới đạt được hiệu quả bền vững./.