Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng măng Lục Trúc
Trước khi tham gia mô hình của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, gia đình Man Văn Tiến, tổ 7, thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ đã tự mua giống măng Lục Trúc về trồng thử nghiệm. Tuy nhiên thời điểm đó, do không có kỹ thuật chăm sóc nên cây chết nhiều, thiệt hại tiền mua giống là không nhỏ. Đến khi tham gia mô hình của Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai, được hỗ trợ giống, phân bón và tập huấn kỹ thuật chăm sóc nên quá trình sinh trưởng rất tốt (đạt tỷ lệ 95%). Giống cây này cho năng suất cao, giá thành tốt, đặc biệt hiện nay là sản phẩm hiện vẫn chưa bão hòa với nhu cầu của thị trường.
Giống măng Lục Trúc cho năng suất cao, giá thành tốt. |
Anh Man Văn Tiến - Tổ 7, thị trấn Trại Cau, Đồng Hỷ cho biết: "Đến bây giờ vườn măng cũng tương đối tốt và có thu nhập ổn định hơn các loại cây ăn quả khác, đất ở đây rất phù hợp với măng, chăm sóc dễ, ít sâu bệnh, không phải dùng đến thuốc trừ sâu, bảo vệ môi trường tốt. 1 sào măng có thể thu được khoảng chừng 20 đến 30 triệu đồng".
Được triển khai từ tháng 4/2021, qua theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển cho thấy phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu của đồng đất Trại Cau, diện tích vườn bãi của các hộ tham gia mô hình được chăm sóc tốt, thường xuyên vệ sinh nên ít bị sâu bệnh hại, cây sinh trưởng tương đối thuận lợi. Dự kiến, khi cây trưởng thành (đủ 2 năm tuổi), sẽ cho thu hoạch từ 30 - 40kg măng/khóm; mùa thu hoạch măng kéo dài trong khoảng 6 tháng (từ tháng 3 đến tháng 9 Âm lịch), với giá măng hiện tại trên thị trường bình quân 60 nghìn đồng/kg, mỗi khóm tre Lục Trúc, bà con thu từ 1,5 đến 2 triệu đồng.
Măng Lục Trúc như một phương thức đưa các vùng đất trống vào sử dụng một cách kinh tế. |
Anh La Đình Tâm - Thị trấn Trại Cau, Đồng Hỷ chia sẻ: "Gia đình tôi là hộ nghèo, từ khi trồng măng Lục Trúc cho thu hoạch ổn định hơn".
Chị Nguyễn Thị Bảy - Trung Tâm Khuyến nông, Sở NN&PT Nông thôn Thái Nguyên cho biết: "Qua 2 năm triển khai mô hình trồng măng Lục Trúc, hiện tại đã thu được kết quả. Măng khá phù hợp với lại điều kiện tự nhiên khí hậu địa lý ở đây, hiệu quả kinh tế so với cây trồng khác cũng khá cao. Măng là sản phẩm an toàn và đã được chứng nhận".
Quá trình triển khai thí điểm mô hình tại Thị trấn Trại Cau, bước đầu cho thấy, măng Lục Trúc như một phương thức đưa các vùng đất trống vào sử dụng một cách kinh tế, loại cây này có khả năng tạo sinh khối nhanh, dễ tạo nguồn giống, có khả năng chắn gió, giữ đất cao, phát huy nhanh tác dụng phòng hộ, phù hợp với người nông dân. Chính vì vậy việc phát triển mô hình ứng dụng kỹ thuật trồng măng Lục Trúc chính là một mô hình nông lâm kết hợp, tạo sinh kế cho người nông dân vươn lên phát triển kinh tế gia đình.