Hé lộ những kỷ lục khó tin của Festival Áo dài Hà Nội 2016
Trong 3 ngày diễn ra Festival Áo dài Hà Nội 2016 đã có hàng chục hoạt động ghi dấu ấn như: Lễ khai mạc, chương trình biểu diễn áo dài với chủ đề “Hà Nội và mẹ”, “Hà Nội Life Style”, hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị áo dài truyền thống trong phát triển du lịch”, lễ rước tôn vinh các vị tổ nghề - nghệ nhân nghề, diễu hành với chủ đề “Áo dài với xích lô, xe đạp và hoa”, thi vẽ tranh trên áo dài dành cho thiếu nhi với chủ đề “Hà Nội trong mắt em”, thi cắm hoa tạo hình cùng áo dài, thao diễn tay nghề của các nghệ nhân, trình diễn ẩm thực, dạy nấu ăn tại khu ẩm thực và kết thúc là lễ bế mạc vinh danh các cá nhân - tổ chức tham gia Festival Áo dài Hà Nội 2016.
Mặc dù đây là lần đầu tiên tổ chức Festival Áo dài nhưng UBND TP. Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội và các đơn vị phối hợp tổ chức đã đầu tư tới mức lập nên những kỷ lục khó tin.
1500 nón lá và bóng đèn được bày trí khắp khuôn viên Festival Áo dài Hà Nội 2016 trong suốt 3 ngày diễn ra sự kiện. Ảnh: Mạnh Thắng. |
Ấn tượng đầu tiên khi đến với sự kiện này đó là nón lá. Vốn dĩ nón lá luôn đi liền với áo dài và tạo ra một vẻ đẹp hết sức truyền thống. Tuy nhiên, trong Festival Áo dài Hà Nội 2016 nón lá đã không chỉ xuất hiện trên sân khấu mà còn là những “biểu tượng” rất đỗi Việt Nam bày trí khắp khuôn viên Hoàng thành Thăng Long. Với tư cách Giám đốc Sáng tạo của Festival Áo dài Hà Nội 2016, NTK Minh Hạnh cho biết, có 3 loại nón lá với tổng số 15.000 chiếc kèm 15.000 bóng đèn đã được sử dụng để trang trí trong 3 ngày diễn ra Festival Áo dài. Đích thân bà đã mời 45 thợ điện từ Huế ra Hà Nội để thực hiện hạng mục này trong 3 ngày liền.
Bên cạnh nón lá thì 50 căn nhà tre với hàng tấn tre đã được chọn lọc và đặt hàng từ hàng tháng trước đó cũng đã tạo nên những dấu ấn rất Việt Nam tại Festival Áo dài Hà Nội 2016. Các tay thợ lành nghề đã có phương án lắp ghép nhà tre trong 2 tháng và có 2 ngày để dựng nhà tre cho các gian hàng áo dài, các gian hàng ẩm thực và gian hàng cho các nghệ nhân của làng lụa Vạn Phúc - Hà Nội, làng lụa Hội An - Quảng Nam, dệt lanh của người Mông - Hà Giang, dệt zèng của người Tà Ôi - A Lưới - Huế… Mỗi gian hàng có diện tích 50m2 hoàn toàn bằng nguyên liệu tre, nứa, lá…
50 ngôi nhà tre được các tay thợ lành nghề dựng nên trong vòng 2 ngày. Ảnh: TL. |
Với chủ đích tạo nên một không gian hoàn toàn thuần Việt, NTK Minh Hạnh đã cho đặt 3 mẫu lúa là loại lúa vừa trổ bông để bày trí khắp khuôn viên Festival Áo dài Hà Nội 2016. NTK Minh Hạnh cho biết, lúa để bày trí trong không gian Hoàng thành Thăng Long được đặt từ Đông Anh - Hà Nội và được đưa về tập kết tại địa điểm diễn ra sự kiện từ 5 ngày trước khi bắt đầu bày trí. Vì gặt lúa sớm nên khi đưa về lúa vẫn còn xanh nhưng sau mấy ngày lúa đều ngả sang màu vàng. Lúc đầu bà có chút lo lắng vì sợ lúa vàng quá sẽ dễ bị rụng bông nhưng không ngờ khi đưa ra bày trì thì lúa vẫn còn nguyên bông. Và bà đã cảm thấy rất vui khi khách đến tham quan đã rất hào hứng với những hàng lúa chín vàng trải dọc đường đi. Nhiều bà mẹ và con trẻ đã có được nhiều bức ảnh sống động khi chụp ảnh bên những bó lúa chín vàng này.
Tổng số lượng nhân công thực hiện các khâu chuẩn bị cho Festival Áo dài là khoảng 280 người, không kể lực lượng tình nguyện viên gần 400 người và lực lượng diễn viên 250 người.
Một điều quan trọng được xem là “thành tích đáng nể” của Festival Áo dài Hà Nội 2016 đó là trong 3 ngày diễn ra sự kiện đã có hơn 1500 chiếc áo dài được bán ra. Trong đó, gian hàng bán được nhiều nhất là DuMy với 1000 áo dài may sẵn, tiếp theo là gian hàng của NTK Ngọc Hân với 460 chiếc áo dài. NTK Ngọc Hân cho biết, cô khá bất ngờ với lượng áo dài bán ra trong 3 ngày. Dường như, tất cả các khách hàng đến gian hàng của cô đều chọn cho mình một bộ áo dài, thậm chí có người còn mua tới 5 bộ cho cả gia đình.
Theo NTK Minh Hạnh thì đã có khoảng 2650 chiếc áo dài của các NTK được giới thiệu cho các hoạt động nằm trong khuôn khổ Festival Áo dài Hà Nội 2016. Và điều đáng mừng hơn cả không phải là con số nêu trên mà chính là việc 90% khách đến tham quan sự kiện này đều diện áo dài. Điều này tạo nên một vẻ đẹp mang tính chỉnh thể mà chưa Festival Áo dài nào có được.
“Có rất nhiều phụ nữ đến từ các nơi mặc áo dài rất đẹp kể cả trời mưa gió, điều này chứng minh được sức hút của chiếc áo dài. Các nhà thiết kế đã tiếp cận được nhiều khuynh hướng của thị trường thông qua những mong muốn cụ thể của khách hàng. Điều quan trọng chính là chiếc áo dài đã làm nên được những ngày hội mang đậm dấu ấn văn hóa cho Hà Nội và "chủ quyền" của bản sắc Việt như lời của NSND Hoàng Cúc đã chia sẻ trong buổi hội thảo về áo dài diễn ra sáng 16/10”, NTK Minh Hạnh nói.
Tổng số lượng nhân công thực hiện các khâu chuẩn bị cho Festival Áo dài là khoảng 280 người, không kể lực lượng tình nguyện viên gần 400 người và lực lượng diễn viên 250 người. Ảnh: Mạnh Thắng. |
Với khoảng 3 vạn khách đến trong 3 ngày diễn ra sự kiện thì gian hàng ẩm thực của đầu bếp Đoàn thị Thu Thuỷ - Top 3 Master Chef 2014 cũng đã phải huy động tới hơn 100 nhân viên để phục vụ tại khu ẩm thực, chưa kể các nghệ nhân ẩm thực đến từ TP.HCM, Huế và Hà Nội chế biến món ăn. Ngoài ra, hơn 1000 chiếc ghế tre, 200 bàn tre và hàng nghìn chiếc bát được đặt làm bằng tay tại làng gốm Bát Tràng cũng là điểm nhấn của gian hàng ẩm thực.