Hải Phòng: Doanh nghiệp nợ BHXH - Người lao động “biết kêu ai”?
Không ít doanh nghiệp nợ BHXH thời gian dài với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng, đồng nghĩa với việc người lao động tại các doanh nghiệp này không được hưởng các chế độ chính sách từ BHXH dù các khoản đóng bảo hiểm vẫn được doanh nghiệp đều đặn trừ vào lương hàng tháng.
Trong khi đó, tổ chức công đoàn và các cơ quan chức năng lại dường như… bất lực trước việc quyền lợi của đoàn viên công đoàn, người lao động bị xâm phạm, ảnh hưởng.
Anh Nguyễn Trọng Thắng (phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) làm việc tại Công ty Lisemco 5 từ những ngày đầu công ty thành lập - năm 2010; chưa kể trước đó, anh đã gắn bó gần 20 năm với Công ty Lisemco, vốn là “công ty mẹ” của Lisemco 5. Thế nhưng, từ đầu năm nay, anh nghỉ việc tự do, làm thuê hết công ty này đến công ty khác.
Anh Thắng cho biết, phải chạy đôn chạy đáo vì Lisemco 5 nợ lương công nhân từ tháng 11/2018 đến nay và 2 tháng (tháng 3 và tháng 4) năm 2017; đặc biệt, công ty nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động từ tháng 10/2011 đến nay.
“Tháng nào cũng thông báo thu tiền, cứ có lương là có thu, nào là: Bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp… nhưng chế độ không có. Anh em công nhân chúng tôi rất bức xúc. Lương là một phần, nhưng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội là quan trọng nhất, quyền lợi sát thực nhất của người lao động lại không có. Một năm cả chục lần đối thoại với cán bộ nhưng chỉ toàn hứa, không giải quyết được gì. Cuối cùng, công nhân là người gánh hậu quả”- anh Thắng chia sẻ.
Đến thời điểm này, có hàng trăm doanh nghiệp, đơn vị tại Hải Phòng thường xuyên nợ các khoản bảo hiểm kéo dài từ 3 tháng trở lên, với số tiền nợ lên đến gần 750 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp nợ kéo dài như: Công ty Cổ phần Vận tải và Du lịch Hải Phòng, Công ty chế biến thuỷ sản xuất khẩu Hải Phòng, Trung tâm tư vấn việc làm, Công ty cổ phần vận tải và thương mại Hải Phòng…
Nhiều công nhân ốm đau, nằm viện không có bảo hiểm y tế. Nhiều chị em sinh con, đến khi con lớn vẫn chưa được hưởng chế độ thai sản. Do công ty nợ bảo hiểm xã hội nên công nhân muốn chuyển nơi làm việc cũng không chốt được sổ bảo hiểm xã hội. Nghiêm trọng hơn, một số chủ doanh nghiệp nợ BHXH đã bỏ trốn khiến người lao động đứng trước nguy cơ “trắng tay”.
Cơ quan Bảo hiểm đã áp dụng nhiều biện pháp, như: Đôn đốc, báo cáo UBND thành phố, Liên đoàn lao động… để phối hợp thanh tra, nhưng việc thu hồi nợ bảo hiểm xã hội vẫn gặp nhiều khó khăn.
Ông Đào Xuân Hải, PGĐ Bảo hiểm Xã hội Hải Phòng cho biết cơ quan bảo hiểm đã "làm hết cách" nhưng việc thu hồi nợ bảo hiểm xã hội vẫn gặp nhiều khó khăn. |
Ông Đào Xuân Hải, PGĐ Bảo hiểm Xã hội thành phố Hải Phòng cho biết, biện pháp cuối cùng để đòi lại quyền lợi cho người lao động là khởi kiện các doanh nghiệp cố tình trốn đóng BHXH, hiện cũng không hiệu quả.
“Vấn đề quan trọng hiện nay là mắc ở thủ tục pháp lý, tức là hồ sơ khởi kiện. Người lao động phải làm đơn khởi kiện. Nhưng, hiện nay công nhân kiếm được việc làm đã khó, giờ lại khởi kiện chủ sử dụng lao động thì càng khó. Trong năm 2017 – 2018, BHXH thành phố đã gửi gần 100 hồ sơ sang Liên đoàn lao động thì chỉ có 1 vụ duy nhất thành công, còn lại sau này toàn bộ số hồ sơ đều mắc cả” - ông Đào Xuân Hải cho biết.
Ông Quách Văn Bình, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật, Liên đoàn lao động Hải Phòng cho biết, đây cũng chính là lý do khiến giới chủ lao động cố tình vi phạm, chây ỳ khoản đóng BHXH cho người lao động. Theo quy định tại Luật BHXH hiện nay, từng người lao động phải có giấy ủy quyền cho công đoàn cơ sở để khởi kiện doanh nghiệp; điều này có nghĩa là một doanh nghiệp có bao nhiêu công nhân bị vi phạm quyền lợi BHXH thì phải có bấy nhiêu lao động ủy quyền và Tòa án phải xử từng vụ một. Chưa kể một thực tế nữa là hiện nay, công đoàn cơ sở dù đã được trao quyền nhưng vẫn không dám đứng ra khởi kiện.
Ông Bình chia sẻ: “Chẳng hạn một doanh nghiệp có mấy nghìn công nhân mà từng người khởi kiện thì rất khó cho công đoàn nếu công đoàn đại diện. Chúng tôi đề nghị, sau này, nếu tính chất vụ việc và quyền lợi như nhau thì nên đại diện, tiện cho quá trình đại diện theo đúng pháp luật. Nếu doanh nghiệp cổ phần nhỏ, vừa thì thường chủ doanh nghiệp chọn Chủ tịch công đoàn là đại diện của chủ lao động nên khi ủy quyền họ không có trách nhiệm làm. Vì vậy, chúng ta thất bại ngay từ bước ban đầu”.
Chủ doanh nghiệp cố tình trốn đóng, chây ì; các cơ quan bảo hiểm “làm hết cách”; công đoàn các cấp không đủ năng lực và trách nhiệm đấu tranh vì quyền lợi của người lao động; chưa kể một loạt vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý khi khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH... Vậy nên cũng không quá khó hiểu khi công nhân Công ty Lisemco 5 và nhiều công ty khác tại Hải Phòng vẫn chỉ biết “ôm” thiệt thòi mà không biết kêu ai./.