Gìn giữ sự trong sáng của Tiếng Việt trên sóng phát thanh, truyền hình
Tiếng Việt là thứ của cải vô cùng quý báu của dân tộc, thể hiện vẻ đẹp tâm hồn người Việt Nam. Các phương tiện thông tin đại chúng nói chung, phát thanh - truyền hình nói riêng có vai trò quan trọng trong việc phổ biến và làm giàu thêm sự trong sáng của tiếng Việt bởi mỗi phát ngôn, mỗi câu viết từ các nhà báo đều có hiệu ứng rộng rãi đến công chúng.
Là một nhà báo từng công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, khi đã ngoài 70 tuổi, ông Nguyễn Đình Thanh vẫn là công chúng quen thuộc của các chương trình phát thanh và truyền hình. Ông cũng là người có nhiều góp ý về việc sử dụng ngôn ngữ của từng phát thanh viên, biên tập viên. Theo ông, trên sóng phát thanh và truyền hình hiện nay, một số phóng viên, biên tập viên đã nói những điều mà mình không hiểu, hoặc không biết. Bên cạnh đó, khi lên sóng, có người nói nhanh dẫn đến bị mất từ, lẫn từ, thừa từ, chưa hướng tới sự chuẩn mực cần thiết...
Nhà báo Nguyễn Đình Thành, công chúng quen thuộc của các chương trình phát thanh và truyền hình. |
Nhà báo Nguyễn Đình Thanh cho rằng: Tiếng Việt vô cùng phong phú, chỉ cần nói đúng, chuẩn ngôn ngữ của mình đã là điều đáng quý, tránh dùng từ nước ngoài không đúng chỗ, gây phản cảm.
"Tiêu chuẩn đúng là đầu tiên, sau đó mới hay. Có một tình trạng là không hiểu mà cứ nói: "yếu điểm" không phải là "điểm yếu"; "cứu cánh" không phải là cứu vãn; đã là "đặc thù" thì là riêng rồi... Cứ nói thừa, sai và lặp đi lặp lại. "Cô giáo đã làm rất nhiều đồ dùng dạy học và giáo cụ trực quan", nhưng "giáo cụ trực quan" đã là đồ dùng dạy học, được dịch từ tiếng Hán sang tiếng Việt. Bây giờ người ta sáng tạo, bảo đó là ngôn ngữ phát triển nhưng cũng đừng làm nó què quặt đi. Những phóng viên, nhà lãnh đạo phải ý thức sâu sắc được điều đó", nhà báo Nguyễn Đình Thanh nói.
TS Phạm Văn Tình-Viện Từ điển học và Bách khoa thư. (Nguồn ảnh: Internet) |
Sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình báo chí đã làm cho ngôn ngữ tiếng Việt trở nên sinh động hơn, mang hơi thở của nhịp sống đương đại. Số lượng từ vựng bổ sung qua giao tiếp thường ngày đã được báo chí cập nhật và phản ánh kịp thời. Theo Tiến sĩ Phạm Văn Tình, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam thì trong 20 năm trở lại đây, có khoảng 4000-5000 từ tiếng Anh mới du nhập vào vốn từ tiếng Việt. Như vậy, việc bổ sung, đổi mới là nhu cầu tất yếu, đảm bảo sự phát triển của ngôn ngữ trên cơ sở vốn cũ, làm cho tiếng Việt giàu thêm nhưng vẫn giữ được phong cách và bản sắc:
Tiến sĩ Phạm Văn Tình nói: "Nếu để ý kĩ thì chúng ta phát hiện rằng ta đã nhập những nghi thức, cách nói mà trước đây không nói, không sử dụng. Tôi đảm bảo bây giờ đi vào mỗi nhà thì cách bài trí, kiến trúc, lối sống, trang phục của chúng ta đã du nhập của phương Tây nhiều. Cho nên những gì hay của người ta, là thích hợp, văn minh, làm phong phú cuộc sống của chúng ta thì không nên quá câu nệ. Ca vát, com-lê chẳng hạn thì khó dịch ra là cái gì. Những từ ngữ hiện nay được sử dụng phải có sự thay đổi và xu hướng chung chuyện đó là bình thường".
Trên sóng phát thanh và truyền hình, lời nói có vai trò dẫn đường và truyền cảm hứng đến công chúng. Hiện nay, tại các đài phát thanh và truyền hình có xu hướng đa dạng giọng đọc trên sóng, với mong muốn tạo sự chân thực, nhất là với những tác phẩm báo chí thực hiện ở hiện trường. Tiến sĩ Vũ Thị Sao Chi, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Ngôn ngữ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng: những quy định về chính tả và chữ viết thể hiện như trong sách vở, trong từ điển Tiếng Việt phải được xem là chuẩn tiếng Việt. Nên dù là người có thói quen phát âm vùng phương ngữ nào thì khi đã là phát thanh viên, biên tập viên của các Đài phát thanh, Truyền hình trung ương cũng phải điều chỉnh theo ngôn ngữ phổ thông:
"Phát thanh, truyền hình của trung ương phải hướng đến ngôn ngữ toàn dân, đặc biệt là những chương trình phát sóng quan trọng như Thời sự thì chắc chắn phải là tiếng Việt toàn dân. Nó là siêu ngôn ngữ, kết hợp những yếu tố ưu việt nhất của tiếng Việt trên cả 3 vùng miền. Dĩ nhiên nếu dựa vào thực tế ngôn ngữ thì giọng Bắc chứa nhiều yếu tố chuẩn hơn cả Trung và Nam. Nhưng trong đó cũng có một số yếu tố chưa chuẩn như phát âm "tr" và "ch" mà ở một số vùng miền lại phát âm âm đó rất chuẩn thì rõ ràng phải tiếp nhận những yếu tố đó", Tiến sĩ Vũ Thị Sao Chi cho biết.
Tiếng Việt là ngôn ngữ thống nhất trong sự đa dạng. Viết đúng, nói đúng chuẩn tiếng Việt trên sóng phát thanh, truyền hình nói riêng và các phương tiện thông tin đại chúng nói chung là con đường để báo chí đến gần hơn với công chúng và cũng là cách để góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Điều đó chỉ có được khi mỗi người làm báo luôn nâng cao ý thức nói và viết thật đúng, thật tốt, thật sáng tạo tiếng mẹ đẻ./.